Giảm áp lực cho học sinh trước Kỳ thi vào lớp 10 công lập

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, kỳ thi này được đánh giá là "căng thẳng, áp lực" hơn xét tuyển vào đại học, bởi chỉ có khoảng 60-70% học sinh giành được "tấm vé" vào các trường công lập.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Những ngày này, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 đang diễn ra tại các tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ thi này được đánh giá là "căng thẳng, áp lực" hơn xét tuyển vào đại học, bởi chỉ có khoảng 60-70% học sinh giành được "tấm vé" vào lớp 10 các trường công lập. Trong khi đó, mong muốn con được học tiếp Trung học Phổ thông sau khi học xong Trung học Cơ sở là nguyện vọng của hầu hết gia đình.

Kỳ thi áp lực nhất của học sinh phổ thông

Có thể nói, cuộc đua giành "suất" vào lớp 10 các trường Trung học Phổ thông công lập tại những đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chưa bao giờ bớt nóng. Năm nay, tình hình càng căng thẳng hơn khi "cánh cửa" vào lớp 10 thêm phần chật hẹp, khi số thí sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở ngày càng gia tăng.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổng số thí sinh dự thi vào lớp 10 năm học 2023-2024 là 96.325; trong đó, các trường công lập của thành phố sẽ tuyển 77.294 chỉ tiêu.

Các trường hằng năm có điểm chuẩn thuộc top đầu vẫn giữ tỷ lệ "chọi" cao. Trong đó, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thượng Hiền vẫn là trường có tỷ lệ "chọi" cao nhất khi có 1.597 học sinh đăng ký nguyện vọng 1 trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 730 em, tỷ lệ 1 "chọi" 2,1. Các trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân, Gia Định có tỷ lệ 1 "chọi" 2.

Ở khối lớp 10 chuyên, Trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong vẫn dẫn đầu về số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 với 3.223 học sinh, trung bình tỷ lệ "chọi" vào trường này là 1/5,4, tùy từng môn chuyên sẽ có tỷ lệ "chọi" khác nhau. Tỷ lệ "chọi" trung bình vào Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa là 1 "chọi" 4,6.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2022-2023, toàn thành phố có hơn 129.000 học sinh xét công nhận tốt nghiệp Trung học Cơ sở.

Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở, năm học 2023-2024, Hà Nội dự kiến tuyển vào lớp 10 các trường Trung học Phổ thông khoảng 102.000 học sinh. Trong đó, tuyển vào lớp 10 trường công lập chỉ khoảng 72.000 học sinh, chiếm 55,7% tổng số học sinh đăng ký dự tuyển. Còn lại, thí sinh dự tuyển vào lớp 10 các trường công lập tự chủ và tư thục; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên.

Đặc biệt năm nay, tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội không chỉ "nóng" ở trường công lập mà sang cả tư thục. Nhiều trường tư thục hiện nay tỷ lệ chọi cũng rất cao. Bởi không ít phụ huynh có con học chưa tốt, thuộc tốp dưới đã tự tính toán hoặc nhờ thầy cô tư vấn để chọn trường phù hợp cho con. Với số lượng hồ sơ ghi danh ngày càng nhiều, thậm chí gấp đôi, gấp 3, có trường đã phải tạm dừng nhận hồ sơ mới.

Cùng với đó, cuộc đấu giữa học sinh giỏi với nhau để vào lớp 10 các trường Trung học Phổ thông chuyên lại càng khốc liệt hơn. Hà Nội hiện có 6 trường Trung học Phổ thông chuyên (trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo và trực thuộc các đại học, trường đại học) cùng 2 trường phổ thông có lớp chuyên. Vì vậy, 1 chọi 10, thậm chí có trường 1 chọi tới 20 đủ thấy áp lực của sỹ tử lựa chọn thi chuyên.

Em Nguyễn Đức Minh, Trường Trung học Cơ sở Mễ Trì, Hà Nội, mỗi tuần có 6 buổi học tại trường, cộng với 20 ca học thêm, chưa kể thời gian tự học mỗi ngày đến 12h đêm. Dù căng thẳng, mệt mỏi, nhưng theo Đức Minh, đó là cách duy nhất để mang lại hy vọng đỗ một suất vào lớp 10 công lập.

Dự định thi vào một số trường chuyên (Chuyên Ngoại ngữ, Chuyên Hà Nội-Amsterdam, Chuyên Sư phạm, Chuyên Nguyễn Huệ), em Đặng Trần Hà An-Trường Trung học Cơ sở Marie Curie, Hà Nội, chia sẻ Hà Nội có nhiều bạn rất giỏi nên muốn có cơ hội vào học tại các trường này, em phải học rất nhiều. Lịch học gần như kín các ngày trong tuần, từ sáng đến đêm, cả thứ Bảy, Chủ Nhật.

Làm gì để giảm căng thẳng cho học sinh

Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở được xác định là giải pháp nâng cao chất lượng bậc Trung học Phổ thông, hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Dù đã thực hiện được 10 năm nhưng trên thực tế, số lượng học sinh muốn vào học trường nghề không nhiều. Việc học tiếp lên Trung học Phổ thông vẫn là nhu cầu của hầu hết học sinh và các gia đình. Chính quan niệm càng học cao, cơ hội cuộc sống tốt hơn càng lớn khiến cho áp lực đè lên học sinh cuối cấp ngày càng nhiều.

Trong khi học sinh chật vật với ôn luyện, phụ huynh lại tất tả để tìm phương án dự phòng. Không chỉ 1 phương án, có gia đình sẵn sàng với 4, 5 phương án tại các trường tư thục. Mỗi phương án kèm theo 1 khoản phí không hề nhỏ, phần nhiều trong số đó có thể mất, nhưng bù lại giúp phụ huynh "mua" được sự an tâm về cánh cửa lớp 10 cho con. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để đăng ký cho con theo học các trường dân lập, tư thục, với mức học phí cao gấp 2-3 lần trường công.

Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính khiến học sinh bị rối loạn sức khỏe tâm thần là áp lực học tập. Đặc biệt, với các kỳ thi chuyển cấp, tình trạng áp lực thi cử với các em càng dễ xảy ra. Ngoài áp lực đến từ các kỳ thi, còn có sự kỳ vọng quá lớn của gia đình, xuất phát từ tình yêu thương của cha mẹ. Vì thế, để hóa giải áp lực thi cử cho con, trước tiên cần phải thay đổi từ chính các bậc phụ huynh.

Chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Lanh cho rằng trước một kỳ thi quan trọng có sự cạnh tranh cao, áp lực là không thể tránh khỏi, đặc biệt là những học sinh có nguyện vọng học trường chuyên, lớp chọn. Áp lực có thể đến từ chính bản thân các em hoặc từ cha mẹ, bạn bè, thầy cô... Các em đang trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý có nhiều biến đổi, cộng thêm áp lực thi cử nếu không được giải tỏa có thể khiến các em bị rối loạn lo âu, trầm cảm....

Về phía phụ huynh, bố mẹ bối rối một, con bối rối mười. Vì vậy, để giúp các con vượt qua được giai đoạn này, bố mẹ cần đồng hành, thấu hiểu. Cho dù kết quả là đỗ hay trượt, bố mẹ vẫn phải đồng hành cùng con tới cuối hành trình. Trước tiên, bố mẹ cần là người quan sát tốt, chú ý tới những hành vi của con để phát hiện ngay các dấu hiệu bất thường. Tiếp đó, bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện để thấu hiểu con suy nghĩ gì, cảm xúc ra sao, đang gặp khó khăn gì trong việc học tập..., rồi cùng con tháo gỡ hoặc khuyến khích con tự tìm ra giải pháp cho chính mình.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến áp lực, quá tải trong cuộc đua vào lớp 10 chính từ việc thiếu trường lớp. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, ngay cả những học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội, hệ thống các trường Trung học Phổ thông công lập trên địa bàn thành phố cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học tập của các em. Số còn lại sẽ theo học tại hệ thống trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên. Thành phố đang đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng, quy hoạch trường học. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian, lộ trình cụ thể.

Để giảm áp lực cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Hoàng Ngọc Vinh kiến nghị Hà Nội có thể cấp đất, mở rộng quy mô trường công. Bên cạnh đó, tăng nguồn lực xã hội mở trường tư.

Khi trường tư càng nhiều, sức cạnh tranh về học phí và chất lượng dạy học sẽ càng cao. Đây là giải pháp các thành phố lớn cần tính toán để thực hiện chứ không phải bằng cách phân luồng học sinh rẽ sang học nghề ở bậc học này một cách miễn cưỡng.

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: