Đây là những sản phẩm đã chế biến như gà rán, burger gà, gà viên... Để xuất khẩu được thịt gà vào thị trường khó tính như Nhật Bản, doanh nghiệp (DN) phải hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ con giống, quy trình nuôi, thức ăn, giết mổ đến chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng thời gian để hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu thịt gà sang Nhật đã mất khoảng hai năm. Bên cạnh đó, công ty cũng liên kết với một số trang trại để chuẩn bị nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, chủ trang trại chăn nuôi liên kết với Công ty Koyu & Unitek, cho biết thêm vào đầu tháng 7 tới bộ phận tư vấn hỗ trợ chăn nuôi của Ngân hàng Thế giới sẽ ký kết chương trình hợp tác hỗ trợ với các đơn vị đối tác xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản. Theo đó, các trang trại chăn nuôi gà của Việt Nam sẽ được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ vốn, kỹ thuật… để chất lượng thịt gà đạt tiêu chuẩn của thế giới.
Từ trước đến nay, Việt Nam mới chỉ sản xuất và tiêu thụ thịt gà ở trong nước, chưa có sản phẩm thịt xuất khẩu.
Lý do là hầu hết cơ sở giết mổ hiện đều không có hệ thống acấp đông, bảo quản lạnh, không có chuỗi sản xuất thịt bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đến sản phẩm xuất khẩu. Trong khi đó, tất cả các nước có nhu cầu nhập khẩu đều yêu cầu phải có chuỗi sản xuất khép kín đến sản phẩm cuối cùng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các DN nên hướng đến sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến. Muốn vậy các DN phải có đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế. Dự kiến năm nay sẽ hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến chín xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản và từ năm 2018 tiếp tục mở rộng sang thị trường châu Á, châu Âu.
Theo PLO