Tham gia Lễ hội có 5.000 phụ nữ gồm: sinh viên, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ trí thức, hội viên phụ nữ ở các lĩnh vực từ nông thôn, thành thị, doanh nhân, phụ nữ làm việc ở lĩnh vực đặc thù như lực lượng vũ trang, ngành Y, Kiểm sát...
Theo bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ, Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh nét đẹp, giá trị và lan tỏa tình yêu với chiếc áo bà ba, áo dài; đồng thời, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, sự hòa quyện giữa trang phục truyền thống và hiện đại của phụ nữ Việt Nam và Nam Bộ. Lễ hội cũng là dịp quảng bá hình ảnh, con người, quê hương Cần Thơ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ cho biết, áo bà ba với chiếc nón lá, khăn rằn là biểu tượng chân chất và thật thà của phụ nữ Nam Bộ. Hình ảnh chiếc áo Bà ba gợi nhớ về người mẹ, người chị với vẻ giản dị, mộc mạc, đầy tình cảm quê hương. Áo dài là biểu tượng văn hóa gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ khoác lên mình chiếc áo dài tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng.
Với sự chuẩn bị công phu và tỉ mỉ, Lễ hội được tổ chức tại Công viên Sông Hậu (quận Ninh Kiều), nơi có không gian rộng rãi, thoáng mát, cảnh quan đẹp.
Lễ hội diễn ra từ ngày 13-14/10; trong đó, chương trình chính là lễ diễu hành áo dài, áo bà ba được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình thành phố Cần Thơ với hơn 4.000 phụ nữ tham gia trình diễn khoảng 1.800 chiếc áo dài và 2.500 áo bà ba. "Tuyến đường diễu hành được chia làm 2 nhánh, nhánh diễu hành áo bà ba xuất phát từ Nhà Văn hóa Lao động thành phố; nhánh diễu hành áo dài xuất phát từ đường Trần Phú. Cả 2 nhánh cùng tiến về công viên sông Hậu", bà Võ Kim Thoa thông tin. Ngoài ra, nhiều phụ nữ tham gia chương trình biểu diễn nghệ thuật gắn liền với hình ảnh áo dài, áo bà ba.
Trong khuôn khổ Lễ hội còn có diễu hành xe máy cổ đến viếng tượng đài Bác Hồ tại bến Ninh Kiều; góc Chợ Xưa tái hiện hình ảnh phiên chợ xưa nhộn nhịp, những món ăn dân dã, truyền thống, mang đậm nét Nam Bộ; trao giải hội thi “Nét duyên áo bà ba”.../.