Báo cáo của ECMC cho biết trong tổng số vốn đầu tư nói trên, 259 tỷ bảng (11 tỷ USD) được giải ngân cho các dự án giao thông sạch, 38 tỷ bảng (hơn 1,6 tỷ USD) cho lĩnh vực dịch vụ vệ sinh bền vững và 25 tỷ bảng (hơn 1 tỷ USD) cho năng lượng sạch. Bên cạnh đó, Chính phủ Ai Cập cũng đã phân bổ 22 tỷ bảng cho lĩnh vực nước sạch, 18,5 tỷ bảng để cải thiện môi trường, 14 tỷ bảng cho chương trình tưới tiêu bền vững và 11 tỷ bảng cho lĩnh vực nông nghiệp.
Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi cho biết nước này đang nỗ lực nâng tỷ lệ đầu tư xanh lên 50% tổng đầu tư công trong tài khóa 2023/2024. Về lĩnh vực năng lượng sạch, trong năm qua, Ai Cập đã ký kết 16 biên bản ghi nhớ về sản xuất amoniac xanh và hydro xanh tại Khu kinh tế Kênh đào Suez (SCZone) với các đối tác quốc tế, trong đó 9 biên bản ghi nhớ đã được chuyển thành hợp đồng.
Tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vừa diễn ra ở thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập đã công bố chiến lược hydro carbon thấp của nước này, đồng thời ký kết quan hệ đối tác trong lĩnh vực hydro xanh với các đối tác quốc tế, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU).
Ai Cập có kế hoạch trở thành một trung tâm quốc tế về sản xuất và xuất khẩu hydro xanh, đồng thời hướng tới mục tiêu tạo ra 42% sản lượng điện được sản xuất từ các nguồn tái tạo vào năm 2035. Để đạt được mục tiêu này, Ai Cập trước đó đã xây dựng công viên năng lượng mặt trời Benban trị giá 2 tỷ USD. Đây là một trong những công viên năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, với công suất sản xuất 1.465 MW. Ai Cập cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy thủy điện tích năng với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD và công suất 2.400 MW.