Nhận định được Giáo sư Sebastian Seung - người được coi là học giả nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực não bộ, kỹ thuật thần kinh và trí tuệ nhân tạo (AI) - đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây. Theo ông, nếu không có AI, thế giới sẽ phải mất 50.000 năm để giải mã bộ não người.
Bất chấp sự tiến bộ của khoa học và công nghệ tiên tiến, bộ não con người vẫn là một lĩnh vực chưa được khám phá. Giới nghiên cứu cho biết có tới 100 tỷ tế bào thần kinh trong não của con người và những tế bào này được kết nối giống như mạng nhện nhờ vào khoảng 100.000 tỷ khớp thần kinh. Mỗi tế bào thần kinh trong não được kết nối với nhiều tế bào thần kinh khác theo những mô hình rất phức tạp. Một nhóm nghiên cứu quốc tế, do Giáo sư Seung và Giáo sư Marla Mercy của Đại học Princeton dẫn dắt, đã hoàn thành và công bố bản đồ não ruồi giấm trưởng thành trên tạp chí khoa học Nature hôm 3/10. Theo nhóm nghiên cứu này, việc giải mã bộ não ruồi giấm có cấu trúc khá giống não người cho thấy cách thức kết nối của 140.000 tế bào thần kinh trong não ruồi giấm và đây là lần đầu tiên não của một sinh vật phức tạp đã được giải mã một cách chi tiết. Cũng theo nhóm nghiên cứu, đây là bước đầu tiên, quan trọng, mở ra con đường xây dựng sơ đồ não bộ con người. Khi hiểu được cơ chế hoạt động của não ruồi giấm có thể giúp hiểu được bộ não con người, cho dù não người có cấu trúc phức tạp hơn nhiều.
Việc vẽ bản đồ não người và khám phá nguyên lý hoạt động của não bằng cách kết hợp với các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn được kỳ vọng sẽ giúp điều trị các bệnh về não như bệnh Alzheimer.