Trong đêm tối, cơn ác mộng gần như đã khép lại đối với những người may mắn đến được bến cảng ở thành phố Port Sudan.
Dưới ánh đèn le lói, một chiếc tàu cập cảng để đón hàng chục người sơ tán. Những người lính Saudi Arabia khăn che kín mặt kiểm tra hộ chiếu của từng người và cho phép họ lên tàu.
Những người này nằm trong số hàng nghìn người chạy trốn kể từ khi giao tranh dữ dội nổ ra ở Sudan giữa các lực lượng quân sự đối địch hơn hai tuần trước. Họ đã vượt hành trình nguy hiểm dài 830 km từ điểm nóng thủ đô Khatourm đến thành phố cảng phía Đông với hy vọng lên được tàu đến nơi an toàn. Một người sơ tán cho biết họ phải mất 36 giờ để đến thành phố Port Sudan.
Lực lượng Saudi Arabia đã tổ chức các cuộc sơ tán từ Port Sudan đến Jeddah qua Biển Đỏ kể từ khi giao tranh bùng nổ.
Doanh nhân người Mỹ gốc Sudan Adil Bashir là một trong số 52 người sơ tán đã được lên tàu HMS Al-Diriyah của Hải quân Hoàng gia Saudi Arabia vào ngày 30/4. Ông chia sẻ đại lý ô tô của ông tại Khartoum bị tấn công và một số chiếc xe đã bị đánh cắp. “Có rất nhiều thi thể trên đường phố”, Bashir hồi tưởng và nói thêm rằng những người đàn ông mặc quân phục của Lực lượng hỗ trợ nhanh chóng Sudan (RSF) đã bắt giữ ông sau khi ông nói mình là công dân Mỹ. “Tôi tin rằng họ muốn chúng tôi trở thành lá chắn sống”, Bashir chia sẻ.
Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương trong xung đột tại Sudan. Hàng nghìn công dân nước ngoài đã được sơ tán khỏi đất nước, trong khi nhiều người Sudan vẫn bị mắc kẹt trong tình cảnh tồi tệ và chết chóc hơn bao giờ hết.
Khi giao tranh buộc nhiều người phải tháo chạy khỏi Khartoum, thành phố Port Sudan trở thành một trung tâm giải cứu then chốt.
Các nhân viên của Liên hợp quốc đã chuyển đến hoạt động tại thành phố phía Đông này và hàng nghìn người đang ở trong tình trạng chờ đợi, hy vọng có thể rời khỏi Sudan.
Ít nhất hai đoàn xe chở công dân Mỹ và nhân viên của Đại sứ quán Mỹ đã được huy động tới Port Sudan vào cuối tuần qua, nằm trong những nỗ lực đầu tiên do chính phủ Mỹ thực hiện nhằm sơ tán công dân Mỹ khỏi Sudan.
Faris Asad, Tổng lãnh sự Mỹ tại Jeddah, cho biết 100 người Mỹ đã được đưa lên tàu sơ tán USNS Brunswick vào sáng 1/5. Mỹ đã thành lập một trung tâm tiếp nhận tại cảng ở Jeddah, để có thể tiếp nhận bất kỳ công dân Mỹ nào được đưa về.
Hanadi Ahmed, một trong những người sơ tán người Mỹ gốc Sudan đến cảng ngày 1/5, nói rằng bản thân đau lòng khi phải bỏ lại một số thành viên trong gia đình.
Tính đến ngày 30/4, Saudi Arabia cho biết họ đã sơ tán 5.197 người ở 100 quốc gia rời khỏi Sudan. Những người sơ tán được chào đón trên tàu HMS Al-Diriyah với hoa, sôcôla, nước đóng chai và nước cam đóng hộp. Hành trình từ Port Sudan đến Jeddah có thể mất tới 12 giờ tùy thuộc vào điều kiện thời tiết trên biển.
Ngày 30/4, Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) cho biết họ đã đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn do Mỹ-Saudi Arabia làm trung gian trong 72 giờ sau khi đối thủ của họ là RSF cũng nhất trí gia hạn.
Tuy nhiên, bất chấp các lệnh ngừng bắn, các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa hai nhóm vẫn tiếp diễn và người ta nghe thấy tiếng súng trong 2 ngày 30/4-1/5 gần dinh tổng thống ở Khartoum.
Trong một tuyên bố, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cho biết 8 tấn viện trợ y tế đã đến Sudan vào ngày 30/4, cung cấp cứu trợ cho các cơ sở y tế bị ảnh hưởng nặng nề của đất nước.
Các chuyên gia cảnh báo Sudan có nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo, khi hàng triệu người bị mắc kẹt trong nhà và đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước, thuốc men và điện.
“Số thi thể trên đường phố ngày càng nhiều và điều này đang tạo ra một thảm họa môi trường”, Hiệp hội bác sĩ Sudan lên tiếng và kêu gọi chấm dứt “chiến tranh”, thành lập các hành lang nhân đạo để hỗ trợ y tế, xe cứu thương, bệnh nhân và nhân viên y tế.