Những người mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch, mỡ máu, thừa cân béo phì…, nếu chế độ ăn uống không hợp lý trong những ngày Tết, có thể sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, hoặc dẫn tới tình trạng bệnh nặng thêm.
Biết cân bằng khẩu phần ăn
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, những ngày Tết, số lượng bệnh nhân mắc bệnh mãn tính phải nhập viện thường có dấu hiệu gia tăng bởi chế độ ăn uống và nghỉ ngơi bị đảo lộn, kèm theo đó việc tập luyện không được duy trì, dẫn tới tình trạng chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, tình trạng sức khỏe bị giảm sút.
Bà Nguyễn Thị Lâm đưa ra lời khuyên, với những người bệnh mỡ máu, đái tháo đường, cần chú ý kiêng khem, hạn chế những thức ăn giàu năng lượng, tinh bột, đường và chất béo… vì những loại này rất dễ làm tăng đường máu và mỡ máu. Nên hạn chế ăn những đồ nướng, rán, mỡ động vật mà phải biết cân bằng giữa chất béo, bột gạo và rau xanh…
“Ngày Tết, mọi nhà thường có món nem truyền thống và bánh chưng, giò chả, bánh mứt kẹo và hoa quả ngọt… Nếu vui miệng mà ăn nhiều, trong khi đó lại ít vận động thì những người rối loạn lipit, mỡ máu dễ dẫn tới thừa cân béo phì, mỡ máu cao. Chúng ta phải biết rằng ngay trong thịt thăn cũng có tới 7% là mỡ. Và những món giàu cholesterol như phủ tạng động vật bao gồm: tim, gan, bầu dục, lòng…
Còn với những người bị huyết áp, bệnh gút cần tránh chất béo như thịt mỡ, hạn chế ăn mặn (dưa cà muối, thịt cá ướp mặn) và hạn chế bia rượu. Đặc biệt, với người bị gút nên ăn ít hải sản và thịt đỏ…”, bà Lâm nhấn mạnh.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và duy trì tập luyện
Với những người có bệnh mãn tính, việc chế biến thức ăn để cân bằng khẩu phần hằng ngày rất quan trọng. Trong đó việc chọn thực phẩm đa dạng, cân đối nguồn động vật và thực vật và chú ý đến hàm lượng đường, muối, cholesterol và bớt lượng chất béo. Thức ăn nấu xong không nên để lâu nhất là rau xanh, vì sau 2 tiếng rau chín có nguy cơ nhiễm khuẩn, mất hết vitamin và chỉ còn chất xơ.
“Việc giảm bớt lượng chất béo như cho vừa đủ lượng dầu rán trong 1 lần và bỏ đi không nên tiếc, vì nếu dầu rán thừa mà đun đi đun lại sẽ tăng sinh chất béo thể đồng phân, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, gây mỡ máu cao. Ngoài ra, những ngày Tết không nên làm nhiều đồ ăn vừa ngấy, vừa không tốt cho sức khỏe.
Bởi thức ăn để tủ lạnh lâu khi đun đi đun lại bị chuyển hóa từ chất béo thông thường sang chất béo thể chuyển hóa vừa không thơm ngon vừa mất chất dinh dưỡng, ăn nhiều sẽ gây mỡ máu cao. Còn nếu hâm nóng bằng lò vi sóng, khi ấy thức ăn sẽ bị biến tính do nhiệt, chất đạm sẽ trở thành thể liên kết, gây khó tiêu và khó hấp thu”, bà Lâm phân tích thêm.
Bên cạnh đó, những ngày Tết, chúng ta không nên tích trữ nhiều thức ăn. Với tủ lạnh thông thường, việc bảo quản đông lạnh chỉ đảm bảo được 5-7 ngày. Thức ăn chia nhỏ bao gói đủ từng bữa, tránh để cả cân vì mỗi lần lấy thức ăn ra rã đông chế biến thức ăn vừa mất chất, vừa dễ gây nhiễm khuẩn.
Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, để có cái Tết như ý, người bệnh mãn tính nên chú ý duy trì đến chế độ tập luyện thể dục thể thao, vận động nhẹ nhàng tránh thừa cân, mỡ máu như đạp xe, đi bộ, cầu lông, thể dục theo nhóm, làm việc nhà… ít nhất 1 tiếng/ngày.
“Với người cao tuổi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo chế độ ăn lành mạnh là đồ ngọt (từ đường, bánh kẹo, hoa quả chín…) không nên quá 25g/ngày. Khẩu phần ăn tùy theo nhóm tuổi và nhu cầu năng lượng khác nhau, nên duy trì khoảng 2.000 calo/ngày, trong đó chất béo khoảng 20% năng lượng khẩu phần; rau xanh đảm bảo 200g/bữa, thịt có thể ăn 30-100g kèm theo 30-40g cá tôm và có thể thêm 1-2 miếng đậu phụ và 1 quả trứng; gạo mì từ 200-300g (tùy theo mức lao động). Giữa bữa có thể uống sữa đậu nành, sữa không béo khoảng 150-200ml. Muốn đa dạng thực phẩm, có thể thay đổi cách chế biến thường xuyên để có bữa ăn phong phú”.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm
Theo Lưu Hường/Báo TNVN