Không giống như ở xứ Wales và Scotland, việc sử dụng vũ lực đối với con cái của mình ở Anh và Bắc Ireland vẫn chưa bị cấm. Theo luật pháp, các bậc cha mẹ ở hai nước này có thể viện dẫn đây là “hình phạt hợp lý” để bào chữa cho lý do tại sao họ đánh con mình.
Báo cáo của Đại học Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em Hoàng gia (RCPCH) khẳng định nhiều bằng chứng cho thấy việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng.
“Trẻ em bị trừng phạt về thể xác có nhiều khả năng tin rằng bạo lực được xã hội chấp nhận và khuyến khích, khiến các em có xu hướng hành xử bạo lực hơn ở tuổi thiếu niên và trưởng thành”.
Năm 1979, Thụy Điển là một trong 65 quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm mọi hình thức trừng phạt thể chất đối với trẻ em, trong khi 27 quốc gia khác đã cam kết cải cách luật pháp để đạt được lệnh cấm hoàn toàn về mặt pháp lý. Tháng 3/022, xứ Wales đã quy định bất kỳ hình thức trừng phạt thân thể nào (như đánh hoặc tát) đều là bất hợp pháp. Scotland cũng đã đưa ra lệnh cấm tương tự vào tháng 11/2020.
Một cuộc khảo sát do NSPCC thực hiện vào năm 2023 cho thấy 67% người lớn bỏ phiếu tin rằng hình phạt thể xác đối với trẻ em là sai, trong khi 63% người cảm thấy rằng luật cần được thay đổi để ngăn chặn bất kỳ ý kiến nào cho rằng hình phạt thể xác đối với trẻ em là hợp pháp hoặc hợp lý.
Bà Anja Heilmann, Phó Giáo sư Dịch tễ học và Y tế Công cộng tại Đại học College London, cho biết: “Trẻ em có quyền được nuôi dạy mà không cần đến bạo lực. Đánh đập không có tác dụng và hành vi này vi phạm Điều 19 của Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em.”
Hiện tại, các chuyên gia pháp lý sẽ đánh giá xem hình thức trừng phạt thân thể có hợp lý và vừa phải hay không dựa trên độ tuổi của trẻ. Kết luận cuối cùng sẽ quyết định liệu “tác động vật lý” con trẻ là bình thường hay vi phạm pháp luật.
Chính phủ Vương quốc Anh đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các tổ chức y tế, các nhà hoạt động nhân quyền và người dân để thay đổi luật pháp. Sự thay đổi này sẽ bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và góp phần tạo ra một xã hội an toàn và lành mạnh hơn cho tất cả mọi người.