Lễ ký được tổ chức trực tuyến bên lề Hội nghị Bộ trưởng liên chính phủ khu vực châu Á, châu Đại Dương lần thứ 17 về phòng chống doping trong thể thao, dưới sự chứng kiến của các Bộ trưởng Thể thao và lãnh đạo các tổ chức chống doping quốc gia (NADO) từ các nước thành viên ASEAN.
Thỏa thuận đã được Singapore - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN - khởi xướng và được hỗ trợ của Tổ chức chống doping khu vực Đông Nam Á (SEARADO). Quá trình soạn thảo kéo dài gần 1 năm rưỡi, đánh dấu sự thiết lập quan hệ hợp tác chính thức giữa ASEAN và WADA nhằm ngăn chặn doping trong thể thao trên toàn khu vực.
Phát biểu tại lễ ký, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim bày tỏ tin tưởng rằng sự can dự của các nước thành viên ASEAN và các bên liên quan sẽ giúp tổ chức khu vực này khai thác tốt hơn nguồn nhân lực của mình nhằm ngăn chặn doping trong khu vực, cũng như tạo môi trường thi đấu công bằng và bình đẳng cho tất cả các vận động viên. Theo Tổng thư ký Dato Lim, thỏa thuận hợp tác kéo dài 3 năm này sẽ hướng dẫn ASEAN và WADA thúc đẩy việc bảo vệ tính toàn vẹn của thể thao bằng cách ngăn chặn doping, cũng như thúc đẩy cam kết đối với các khái niệm đạo đức và công bằng trong thể thao tại khu vực Đông Nam Á.
Về phần mình, Chủ tịch WADA Banka cho biết hệ thống chống doping toàn cầu dựa vào sự hợp tác giữa các bên liên quan và khẳng định rằng MoU giữa WADA và ASEAN sẽ thúc đẩy công tác chống doping đang được các chính phủ và các NADO trong khu vực triển khai. Ông Banka nhấn mạnh: “WADA tồn tại để phục vụ các vận động viên trên thế giới, tạo cơ hội cho họ thi đấu hết khả năng thiên bẩm của mình trên một sân chơi bình đẳng. MoU hợp tác này là một ví dụ khác về các bước đi của WADA nhằm thực hiện điều đó”. Ông đồng thời cảm ơn ASEAN và các nước thành viên vì cam kết đối với thể thao trong sạch.
Phạm vi hợp tác giữa ASEAN và WADA trong khuôn khổ thỏa thuận này bao gồm thực hiện Công ước quốc tế chống doping trong thể thao của UNESCO; rà soát và hài hòa hóa các chính sách và chương trình chống doping quốc gia với chương trình chống doping thế giới, chia sẻ các mô hình thực hành tốt nhất; hỗ trợ hoạt động độc lập và sự phát triển bền vững của các NADO; thúc đẩy các hoạt động giáo dục và tiếp cận cộng đồng về phòng chống doping trong thể thao; hỗ trợ Văn phòng WADA châu Á - châu Đại Dương và SEARADO.
Các hoạt động khác trong khuôn khổ của MoU này cũng sẽ dẫn đến việc công nhận nguồn nhân lực ở các nước thành viên ASEAN nhằm thực hiện các yêu cầu của Bộ luật chống doping thế giới thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia WADA.