Điều lạ lùng hơn của thương vụ Mobifone mua AVG này là Bộ Thông tin - Truyền thông bỏ qua nhiều quy định về pháp lý, phớt lờ những cảnh báo để phê duyệt cho thương vụ mua bán này.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông thời điểm đó là ông Nguyễn Bắc Son "bút phê" cho ông Trương Minh Tuấn (khi đó là Thứ trưởng) ký quyết định phê duyệt dự án khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
Theo Thanh tra Chính phủ, ban đầu Mobifone chọn Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thực hiện tư vấn, sáp nhập doanh nghiệp.
VCBS đã ký hợp đồng thuê Công ty TNHH Hãng kiểm toán (AASC) xác định giá trị doanh nghiệp và thuê Công ty TNHH Định giá Hà Nội - TP.HCM (Hanoi Valu) thẩm định giá AVG.
Các đơn vị tư vấn đã thẩm định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015 trên cơ sở kế hoạch kinh doanh, đầu tư giai đoạn 2015-2020 do chính AVG lập.
Tuy nhiên, kế hoạch này có khá nhiều điểm bất thường mà vẫn được đơn vị thẩm định chấp nhận để thẩm định giá.
Cụ thể, kế hoạch được lập với dự báo doanh thu, lợi nhuận của AVG giai đoạn 2015-2020 sẽ tăng trưởng đột biến so với thực tế giai đoạn 2012-2014.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu năm sau cao hơn năm trước từ 150%-214%. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2017-2020 năm sau cao hơn năm trước từ 150%-503%...
Kết quả trên đạt được với điều kiện AVG có thêm đầu tư mới 599 tỉ đồng, trong đó năm 2015-2016 đầu tư 195 tỉ đồng.
Thực tế không hề có khoản đầu tư này nhưng AASC vẫn sử dụng những số liệu này và đưa ra giá trị của AVG thời điểm đó lên tới 33.299 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, cách làm của AASC đã vi phạm tiêu chuẩn thẩm định giá và nhiều quy định khác.
Tiếp đó, VCBS cũng sử dụng kết quả thẩm định của AASC để tính toán lại và đưa ra kết quả tổng giá trị cổ phần AVG là 24.548,19 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ kết luận kết quả thẩm định này cũng mang tính chủ quan, không có cơ sở tin cậy.
Cũng bằng cách sử dụng dữ liệu kế hoạch giai đoạn 2015-2020 do AVG, Hanoi Valu đưa ra kết quả thẩm định giá trị AVG là 18.519,9 tỉ đồng, còn AMAX là 16.565 tỉ đồng.