Tham tán Thương mại Tạ Đức Minh nêu rõ: “Tại Nhật Bản, các chất phụ gia như Axit Benzoic và Natri Benzoat được sử dụng với hàm lượng tiêu chuẩn 2,5g/kg. Hàm lượng Axit Benzoic tiêu chuẩn trong các sản phẩm bơ Magarin là 1g/kg, trong siro và xì dầu là 0,6g/kg, và trong các sản phẩm bánh kẹo khác là khoảng 1g/kg”. Theo ông, các cơ quan chức năng Nhật Bản chỉ khẳng định chất phụ gia Axit Benzoic không được sử dụng trong tương ớt ở nước này.
Trước đó, ngày 8/3, Cục Y tế và phúc lợi Tokyo đã thông báo về việc các nhân viên giám sát thực phẩm của Trung tâm Y tế công cộng quận Shinjuku đã thu hồi toàn bộ các chai tương ớt Chinsu tại một điểm bán hàng ở quận này sau khi họ kiểm tra và phát hiện sản phẩm này có dán nhãn sản phẩm không ghi chất phụ gia và điều này vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Dán nhãn thực phẩm của Nhật Bản.
Các chai tương ớt Chinsu này thuộc lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào ngày 7/12/2018. Trên nhãn mác của các lọ tương ớt Chinsu ghi rõ đơn vị bán hàng là Công ty TNHH Công nghiệp ISC và công ty nhập khẩu là Javis có trụ sở tại Osaka (Nhật Bản). Ngay sau đó, Trung tâm Y tế công cộng thành phố Osaka đã mở cuộc điều tra. Kết quả điều tra cho thấy tương ớt Chinsu có chứa chất Axit Benzoic và Axit Sorbic.
Tham tán Thương mại Tạ Đức Minh cho biết sản phẩm tương ớt Chinsu do công ty Nhật Bản nhập khẩu và bán lẻ tại thị trường nước này vi phạm khoản 2 điều 11 của Luật Vệ sinh thực phẩm Nhật Bản do chất phụ gia Benzoic không được cho phép sử dụng trong tương ớt tại nước này và vi phạm quy định của Luật Dán nhãn thực phẩm. Với lý do đó, Giám đốc Cục Y tế Osaka đã ra lệnh cho nhà nhập khẩu thu hồi toàn bộ các mặt hàng có liên quan.
Tuy nhiên, trong kết quả xét nghiệm, lượng Axit Benzoic tối đa trong các chai tương ớt Chinsu nhập khẩu vào Nhật Bản là 0,45g/kg. Vì vậy, trang www.city.osaka.lg.jg khẳng định một người nặng 50kg có thể ăn 0,56 kg tương ớt (khoảng 0,22g Axit Benzoic) mỗi ngày trong suốt cuộc đời mà sức khỏe không bị ảnh hưởng.
Sau khi các cơ quan chức năng quyết định thu hồi tương ớt Chinsu, sản phẩm này vẫn được rao bán trên một số trang thương mại điện tử có uy tín ở Nhật Bản như Yahoo! Shopping Japan, amazon.jp hay buyee.jp.
Rút kinh nghiệm từ việc Nhật Bản thu hồi tương ớt Chinsu nhập khẩu, cơ quan thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến cáo các doanh nghiệp nên tìm hiểu thông tin về các quy định của Nhật Bản liên quan tới nhập khẩu hàng hóa.
Tham tán Thương mại Tạ Đức Minh nói: “Trước khi xuất khẩu bất cứ mặt hàng gì, các doanh nghiệp nên trao đổi với các đối tác của mình và đề nghị đối tác nhập khẩu cung cấp thông tin liên quan tới các sản phẩm đó như thị trường tiêu thụ và các quy định luật pháp của Nhật Bản liên quan tới mặt hàng đó. Các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm phải đặc biệt lưu ý tới vấn đề này bởi đây là mặt hàng mà người dân Nhật Bản rất chú ý về an toàn vệ sinh thực phẩm”.