Theo nguồn tin đăng tải trên báo Người Lao Động, ngày 6/4, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đang nhanh chóng làm rõ vụ hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản như nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hóa. Ông Phong cho biết hiện Cục An toàn thực phẩm chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo ông Phong, trong trường hợp xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm (sản phẩm vi phạm bị phát hiện, thu hồi…) dù là do nước ngoài sản xuất được Việt Nam nhập khẩu hay là sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu vẫn được Cục tiếp nhận qua thông tin chính thức của Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN). Dù chưa nhận được cảnh báo chính thức nhưng Cục cũng đang chủ động kiểm tra về sự việc này và có thông tin chính thức sau khi đã có các thông tin chính xác, tin cậy.
Liên quan đến thành phần acid bezoic là lý do dẫn đến việc thu hồi lô hàng tương ớt Chin-su tại Nhật Bản, ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thuộc Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, acid benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế. Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên. Tuy nhiên, việc sử dụng chất này được quy định về hàm lượng khi đưa vào sản phẩm. Trong trường hợp hàm lượng cao hơn ngưỡng cho phép, acid benzoic có thể gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày... cho người sử dụng. Trường hợp sử dụng chất này với hàm lượng lớn có thể gây ngộ độ, nhưng rất hiếm gặp.
Hình ảnh mặt sau loại tương ớt Chin-su bị chính quyền thành phố Osaka buộc thu hồi. Ảnh: Masan cung cấp |
Cũng trong chiều ngày 6/4, báo Vietnamnet đưa tin, phía Massan đã có thông cáo chính thức rằng doanh nghiệp này chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-Su cho công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd vào Nhật Bản. Hiện Masan chỉ chính thức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-Su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hòa Séc, Trung Quốc, Đài Loan.
Phía Masan cho rằng, nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ. Theo doanh nghiệp này, vì không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng.
Như báo Giao Thông đã thông tin trước đó, ngày 2/4, cơ quan Xúc tiến sức khỏe và Vệ sinh đời sống Nhật đã ra thông báo về sản phẩm tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, ngày 8/3, cán bộ giám sát an toàn thực phẩm của Cục Y tế và phúc lợi thành phố Tokyo tiến hành kiểm tra sản phẩm tương ớt dán nhãn Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam của tập đoàn Javis, Nhật vì nghi ngờ vi phạm Đạo luật Vệ sinh thực phẩm và Đạo luật Nhãn thực phẩm. Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka lập tức mở cuộc điều tra tại Javis.
Giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka đã ra lệnh cho nhà nhập khẩu thu hồi toàn bộ sản phẩm sau khi xác định lô hàng tương ớt nhập khẩu ngày 7/12/2018 từ Việt Nam có chứa chất cấm phụ gia axit benzoic cùng một số chất phụ gia khác như sorbic acid... vi phạm điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm của quốc gia này. Nhà nhập khẩu đã không ghi rõ trên nhãn phụ rằng số tương ớt này có chứa acid benzoic.