Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Phòng Quản lý dược Sở Y tế TP HCM cho biết, năm 2013 trở về trước các bệnh viện tại thành phố đấu thầu riêng lẻ thuốc và trang thiết bị y tế. Năm 2014 và 2015 đấu thầu tập trung tại Sở Y tế TP HCM theo quy định mới. Sau khi VN Pharma bị phát hiện làm giả hồ sơ nhập khẩu thuốc chữa ung thư Capita và công an đang điều tra theo hướng buôn lậu, từ năm 2016 đến nay Sở Y tế áp dụng hình thức đấu thầu kết hợp vừa tập trung vừa riêng lẻ. Mỗi hình thức đấu thầu đều có lợi thế và những bất cập riêng.
Đấu thầu riêng lẻ ở các bệnh viện
Trước năm 2013 các bệnh viện tự tổ chức đấu thấu, mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế. Tuy nhiên kết quả thanh tra kiểm toán cho thấy cùng một loại thuốc nhưng có giá khác nhau ở các hội đồng đấu thầu riêng lẻ.
Theo Sở Y tế TP HCM, mỗi bệnh viện tự đấu thầu đã gây lãng phí, tốn nhiều tiền bạc, nhân lực, thời gian. Dược sĩ bệnh viện không có nhiều thời gian tham gia làm công tác dược lâm sàng với bác sĩ, bình đơn thuốc, bình bệnh án, theo dõi phản ứng, sai sót khi dùng thuốc... Khi bệnh viện xảy ra vấn đề như thiếu thuốc, sẽ khó điều phối từ các bệnh viện khác qua kịp thời. Bộ Y tế cũng chủ trương chuyển sang hình thức đầu thầu thuốc tập trung kể từ năm 2014.
Lần đầu đấu thầu tập trung năm 2014
2014 là năm đầu tiên Sở Y tế TP HCM đấu thầu tập trung cho toàn bộ thuốc của thành phố nhằm khắc phục những hạn chế của loại hình đấu thầu riêng lẻ. Theo đó, đầu tiên các bệnh viện xây dựng danh mục thuốc và nhu cầu sử dụng trong năm rồi gửi về Sở Y tế. Hội đồng tư vấn chuyên môn có 46 người gồm đại diện lãnh đạo Sở, hội đồng thuốc bệnh viện, bảo hiểm xã hội... xem xét danh mục trên các phương diện như có thỏa mãn chuyên môn điều trị, bảo hiểm y tế chi trả, sự phù hợp với phác đồ điều trị, có nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế khác biệt không... Hội đồng cũng xem xét cơ cấu sử dụng thuốc, tỷ lệ biệt dược gốc so với nhóm thuốc thế hệ thứ hai (generic), thuốc ngoại so với thuốc trong nước, sự đảm bảo nhu cầu đa dạng, phân tầng trong điều trị...
Sau khi hội đồng thông qua, danh mục này được chuyển cho Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế TP HCM để tiến hành gọi thầu và đấu thầu. Nhà thầu tham gia đấu thầu bằng cách nộp hai túi hồ sơ, trong đó một túi hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, một túi đề xuất về thời giá thuốc.
Khi mở thầu Sở Y tế thành lập tổ chuyên gia và tổ thẩm định. Tổ chuyên gia tiến hành đánh giá hồ sơ dự thầu qua hai tiêu chí là năng lực, kinh nghiệm và cho điểm kỹ thuật từng sản phẩm. Những sản phẩm nào đạt được điểm kỹ thuật tối thiểu là 70 mới được xem xét về giá dự thầu. Tổ thẩm định làm nhiệm vụ thẩm định kế hoạch, thẩm định hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu. Giá kế hoạch là giá của thuốc trúng thầu năm trước đó. Giá trúng thầu phải bằng hoặc thấp hơn giá kế hoạch.
Năm 2014, có 1.211 mặt hàng trúng thầu tại Sở Y tế TP HC, tổng giá trị rẻ hơn năm trước 25%. Trong số hàng trúng thầu có thuốc H-Capita chữa ung thư của Công ty VN Pharma, sau đó được cơ quan điều tra xác định là bị làm giả hồ sơ nhập khẩu.
Cách đấu thầu này có nhiều bất cập như nhiều thuốc cùng nhóm nhưng chất lượng khác nhau; thuốc chất lượng tốt lại khó cạnh tranh trúng thầu với hàng chất lượng thấp hơn do giá cao hơn; bị động về nguồn cung cấp thuốc trúng thầu do đơn vị thắng thầu thiếu dự trữ thuốc...
TP HCM có rất nhiều bệnh viện, lượng thuốc theo nhu cầu điều trị rất lớn trong khi đấu thầu tập trung chỉ có vài đơn vị trúng thầu, khi xảy ra sự cố thiếu thuốc thì ảnh hưởng trên diện rộng theo cấp số nhân.
Từ 2016 đấu thầu thuốc theo hai hình thức vừa riêng lẻ vừa tập trung
Sau đợt đấu thầu tập trung hai năm 2014-2015 với nhiều bất cập, Bộ Y tế ban hành thông tư số 11 phân cấp đấu thầu. Theo đó, Bộ Y tế tiến hành đấu thầu tập trung 5 thuốc, đàm phán giá 8 loại thuốc; Sở Y tế địa phương đấu thầu 106 mặt hàng. Các cơ sở khám chữa bệnh có thể đấu thầu tập trung tại Sở hoặc đấu thầu riêng lẻ các loại thuốc còn lại theo nhu cầu.
Đầu năm 2016, nguyên bí thư thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo Sở Y tế TP HCM dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật giao việc đấu thầu về các bệnh viện để đẩy mạnh tính tự chủ, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm.
Theo ông Đỗ Văn Dũng, hoàn toàn không có chuyện đấu thầu tập trung không hiệu quả mà phải đưa về các bệnh viện đấu thầu riêng lẻ. Đấu thầu tập trung là xu thế tất yếu và Bộ Y tế cũng như Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang kỳ vọng tăng nhanh số lượng các mặt hàng đấu thầu tập trung cấp quốc gia và địa phương. Dù đưa về cho cơ sở khám chữa bệnh thì Sở Y tế vẫn phải đấu thầu tập trung 106 mặt hàng và tăng cường kiểm tra giám sát, hỗ trợ, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai sót, tiêu cực có khả năng xảy ra trong đấu thầu thuốc, giúp các đơn vị làm công tác đấu thầu ngày một tốt hơn.
Hiện Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế TP HCM đã giải thể. Vì vậy nhiệm vụ đấu thầu 109 mặt hàng cấp địa phương sẽ được giao cho một hoặc hai bệnh viện đa khoa lớn của thành phố, sau đó kết quả áp dụng cho tất cả các bệnh viện còn lại.