Năm nào cũng vậy, với tâm lý không thể mua được thực phẩm mấy ngày Tết, các bà nội trợ thường chuẩn bị kỹ càng bằng cách mua thật nhiều đồ ăn, thức uống, “nhồi” đầy chiếc tủ lạnh.
Chị Thơ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhớ lại Tết năm ngoái, chị gần như bê cả chợ về nhà đến nỗi tủ lạnh không còn chỗ chứa. Nhìn đống thực phẩm tràn đầy cả nhà bếp, chị Thơ cũng giật mình. Tuy nhiên, do thời tiết nóng ấm nên toàn bộ thực phẩm để ngoài đều bị hỏng, rau héo úa. Tiếc tiền, tiếc của nhưng chị vẫn phải bỏ hết đi vào những ngày sau Tết.
Nhiều thực phẩm hỏng bị bỏ đi sau Tết. Ảnh: Dân Việt
“Tôi mua tất cả những thực phẩm cần thiết và cả theo sở thích của từng thành viên trong gia đình. 2 con gà, 2 cân giò bò, 2 cân tôm, 2 cân mực, 6 cái bánh chưng, 6 cân thịt lợn, mấy con cá trắm được biếu và rất nhiều rau củ khác chất đống trong tủ lạnh và để cả ở bên ngoài. Còn chưa kể mẹ đẻ gửi cho mấy cân bê và 7 con chim bồ câu bồi dưỡng. Tôi nghĩ, Tết thì thời tiết sẽ lạnh nên không lo đồ ăn hay rau củ bị hỏng nhưng không ngờ năm trước trời lại nóng. Tất cả đồ ăn để ngoài đều bị thiu, bốc mùi nồng nặc. Còn chưa kể nhưng thực phẩm trong tủ lạnh ăn không hết, chất quá nhiều nên cũng đành phải cho bớt hoặc bỏ đi”, chị Thơ chia sẻ.
Rút kinh nghiệm từ sự lãng phí này, năm nay, chị Thơ chỉ dám mua rất ít thực phẩm, dặn mẹ đẻ không cần gửi đồ ăn vì Tết chỉ có mấy ngày chứ không phải cả tháng trời mà phải dự trữ cả đống thực phẩm. Chị tính toán kỹ lưỡng lên thực đơn đồ cúng cho từng ngày để mua vừa đủ dùng, tránh lãng phí. Hơn nữa, dù thực phẩm có thiếu thì mùng 2 chợ cũng đã họp rồi, dù mua thực phẩm những ngày này có đắt chút nhưng sẽ không phải đổ đi.
Bà Đậm (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng trải qua những đồng cảnh ngộ như chị Thơ, bà nói: “Cứ nghĩ rằng tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh thì sẽ dùng hết mấy ngày không có chợ, nhưng tôi không ngờ đồ thừa quá nhiều, bánh chưng để ngoài mốc xanh, mốc đỏ. Tiếc của, tôi gạt bỏ hết phần mốc đi, rán lên ăn. Cũng vì thế mà cả nhà được một trận tiêu chảy nhớ đời”.
Đa số bà nội trợ đều có suy nghĩ Tết thì mọi hoạt động kinh doanh buôn bán đều tạm dừng, kể cả chợ nên họ đều mua sắm quá nhiều, đến mức thừa hay bị thiu phải đổ đi hoặc ăn cố, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Thực tế, mấy năm nay, các khu chợ đều họp đến tận ngày 30 Tết và mùng 2 đã mở cửa trở lại để phục vụ người dân. Các bà nội trợ không nên chỉ đi chợ và mua theo cảm tính mà nên tính toán kỹ càng, lên thực đơn các món ăn dự định làm. Như vậy, các gia đình sẽ vừa tránh được tình trạng bội thực thực phẩm, vừa tiết kiệm đáng kể, lại tránh lãng phí.
An Mai