Sputnik News dẫn nguồn tin từ giáo sư Chu Shulong, giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển và chiến lược quốc tế của Đại học Tsinghua ở Bắc Kinh cho biết, việc triển khai tàu sân bay sẽ được quân đội Trung Quốc tiến hành khi tài sân bay thứ hai của nước này hoàn thành.
"Đối với khu vực Hoàng Hải, Bắc Hải và vùng biển ở phía Đông Trung Quốc, Bắc Kinh không cần đến tàu sân bay bởi các máy bay chiến đấu xuất phát từ đất liền hoàn toàn có thể tác chiến ở các khu vực này", ông Chu Shulong nói.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đối với các khu vực ở Biển Đông, máy bay Trung Quốc không thể vươn tới nên cần đến tàu sân bay.
"Người Mỹ đã đưa các tàu chiến và máy bay đến Biển Đông và Trung Quốc hiện nay không có khả năng để đối phó với điều này”, ông Chu Shulong nhận định.
Ông Chu Shulong nói thêm rằng máy bay chiến đấu của PLA phải mất ít nhất 1 giờ mới có thể cơ động từ một căn cứ không quân gần nhất trên đảo Hải Nam để hoạt động một cách phi pháp tại các khu vực đảo ở Biển Đông.
Trung Quốc hiện đang vận hành tàu sân bay Liêu Ninh sau khi mua về từ Ukraine năm 1998. Bắc Kinh hiện đang đóng tàu sân bay thứ hai và là hàng không mẫu hạm nội địa đầu tiên của nước này tại nhà máy đóng tàu ở Đại Liên, Liêu Ninh.
Trung Quốc khăng khăng đòi hỏi chủ quyền phi pháp đối với 90% diện tích Biển Đông nơi các nước như Indonesia, Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và đảo Đài Loan cũng đang có những tuyên bố chủ quyền.
Hôm thứ Tư vừa qua, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ ông Harry Harris cũng đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải bằng các chiến dịch quân sự ở Biển Đông để thách thức các tuyên bố đòi chủ quyền của TQ ở khu vực.
Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền của khu vực những thường xuyên phản đối mạnh mẽ các hoạt động xây dựng phi pháp của Bắc Kinh ở khu vực Trường Sa.
Washington cho rằng Bắc Kinh có mưu đồ sử dụng các căn cứ trên những đảo nhân tạo xây phi pháp này để làm tiền đồn, bàn đạp quân sự nhằm hỗ trợ cho việc khẳng định tuyên bố đòi chủ quyền phi pháp với toàn bộ diện tích Biển Đông
Đăng Nguyễn