Gắn phát huy giá trị các bảo vật quốc gia với phát triển du lịch của địa phương, tổ chức tour đưa khách tham quan bảo vật quốc gia; khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong công tác bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia; huy động sức mạnh của toàn xã hội trong công tác bảo quản, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc - đây là nội dung của Đề án bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia trên địa bàn, giai đoạn 2024-2030 vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ký ban hành.
Mục tiêu của Đề án nhằm bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia thông qua các hoạt động như trưng bày, triển lãm; tuyên truyền, giới thiệu giá trị của bảo vật trên các phương tiện thông tin đại chúng; từng bước ứng dụng công nghệ số để quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.
Hiện có 3 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai gồm Sưu tập Qua đồng Long Giao, tượng thần Vishnu Bình Hòa, sưu tập đàn đá Bình Đa.
Sưu tập Qua đồng Long Giao có niên đại khoảng thế kỷ 1-3 (gồm 15 tiêu bản). Qua là tên gọi dùng để chỉ một loại vũ khí giáp chiến đánh gần thuộc hệ bạch khí trong lịch sử, còn được gọi là binh khí mũi nhọn với tác dụng chủ đạo là bổ, chém và móc.
Tượng thần Vishnu Bình Hòa là pho tượng duy nhất có thể nhận biết đến nay bằng sa thạch, được nghệ nhân điêu khắc văn hóa Óc Eo tạc ở tư thế đứng thẳng trên một bệ trơn hình chữ nhật có chuôi nhọn để cắm sâu vào lòng kiến trúc.
Tượng Vishnu Bình Hòa đã khẳng định nghệ thuật điêu khắc tượng tròn vào thế kỷ 5-7.
Bộ sưu tập đàn đá Bình Đa với niên đại 3.000 năm. Theo hồ sơ bảo vật của Cục Di sản Văn hóa, sưu tập đàn đá Bình Đa là sản phẩm bản địa, độc bản, có tuổi đời cổ nhất thế giới.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đánh giá, những năm qua, việc bảo vệ, bảo quản hiện vật luôn được Bảo tàng tỉnh thực hiện đầy đủ, đúng quy trình và tuân thủ đúng qui định về nguyên tắc bảo quản hiện vật.
Đồng Nai tổ chức trưng bày, giới thiệu, quảng bá bảo vật quốc gia với nhiều hình thức như triển lãm chuyên đề “Dấu ấn văn hóa Tiền - Sơ sử ở Đồng Nai”, “Di chỉ khảo cổ học Bình Đa”; xuất bản sách ảnh Bảo vật quốc gia vùng đất Biên Hòa- Đồng Nai…
Tuy nhiên, do vẫn còn hạn chế về chuyên môn sâu, điều kiện cơ sở vật chất, yếu tố môi trường, thiếu đầu tư kinh phí nên việc bảo vệ và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia còn hạn chế.
Theo tiêu chuẩn bảo quản bảo vật quốc gia, tùy thuộc vào đặc điểm chất liệu và niên đại của từng bảo vật để có phương pháp bảo quản riêng cho phù hợp.
Nhưng hiện nay, các bảo vật quốc gia tại Đồng Nai đang được áp dụng một điều kiện bảo quản chung và chưa có nhiều khác biệt so với các hiện vật thông thường khác.
Tại Bảo tàng tỉnh cũng chưa có những dụng cụ bảo quản chuyên biệt để đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho từng hiện vật với từng chất liệu khác nhau.
Theo Đề án, Đồng Nai ứng dụng công nghệ số để bảo vệ, phát huy giá trị các bảo vật như sử dụng thiết bị đo nhiệt độ-độ ẩm; hỗ trợ nghe thuyết minh tự động; tra cứu thông tin bảo vật; tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.