Trong căn nhà ba tầng với đầy đủ tiện nghi tại phường Hải Thành (TP Đồng Hới), bà Hà Thị Xuân vui vẻ cho biết, bà sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình). Năm 20 tuổi, bà xung phong tham gia lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) và được biên chế vào C3, D195, F8 thuộc Đoàn 559 ở mặt trận B5 Quảng Trị. Sau hai năm làm nhiệm vụ chuyển lương, tải đạn ở chiến trường ác liệt, năm 1973, bà trở về quê hương do bị sức ép của bom làm hỏng thính giác. Bà lập gia đình với một cựu chiến binh và vật lộn cuộc sống mưu sinh bằng nhiều nghề tại Đồng Hới. Đến đầu những năm 2000, vợ chồng bà mới bắt đầu nghề làm bánh lọc, bánh nậm. Ban đầu chỉ làm ít, sau khách quen nhiều, số lượng cũng vì thế tăng lên.
Bánh lọc mệ Xuân |
Ở Đồng Hới, bà Xuân không phải là người đầu tiên và duy nhất làm bánh lọc song bánh của bà thường được người tiêu dùng lựa chọn vì có phong vị riêng. Hỏi bà bí quyết, bà cười bảo: “Không có bí quyết gì đâu, chẳng qua làm bột phải tự tay nhồi để đủ độ dẻo, không quá khô, cũng không quá ướt. Tôm làm nhân phải là tôm đất tươi sống. Bánh không luộc mà được sắp trên một cái rế lớn đan bằng tre, hấp cách thủy chừng 10 phút sẽ chín. Khi bánh chín tới là lúc lớp bột bên ngoài chuyển từ mầu trắng đục sang trắng trong, nhìn thấy con tôm rim cong cong, đỏ rực bên trong. Dù để nguội cả ngày, bánh vẫn dẻo trong và không hề bị cứng”.
Cơ sở bánh mệ Xuân làm hai loại bánh lọc, loại gói bằng chuối hoặc bánh lọc trần đều ngon và hấp dẫn du khách. Ban đầu chỉ là quán bánh nhỏ ven đường Lê Thành Đồng, nay quán được chuyển sang địa chỉ mới cũng trên con phố đó. Cứ chiều về, người ra vào quán nườm nượp. Bà Xuân cho biết, hằng ngày gia đình bà thu khoảng bốn, năm triệu đồng, những tháng cao điểm doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Mùa du lịch cũng là mùa cơ sở làm bánh của bà hoạt động hết công suất. Hầu như các khách sạn, nhà hàng lớn nhỏ tại Đồng Hới đều có số điện thoại của bà. Chỉ cần khách nhấc máy đặt bánh, đúng giờ nhân viên của bà sẽ giao bánh tại đúng địa chỉ.
Đặc sản vùng Đồng Hới (Quảng Bình) |
Khi nhận lời làm bánh, bà Xuân thường hỏi rất kỹ rằng bánh ăn ngay hay mang về, quảng đường bao xa, ở trong nước hay ngoài nước, từ đó bà có cách hấp bánh riêng để bảo đảm không bị hỏng sau thời gian vận chuyển. Nhiều khách hàng khó tính, kể cả những người đến từ TP Huế, nơi được xem là “vương quốc” của nhiều loại bánh, trong đó có bánh bột lọc, đều phải thừa nhận hương vị đặc biệt của bánh mệ Xuân. Bà kể: “Có người khi gọi điện đặt bánh còn nói, ngày xưa cháu thường xuyên ăn bánh ở quán nhà o, nay ra nước ngoài làm ăn, nhớ bánh lọc o Xuân quá nên phải nhờ người nhà gửi sang. Nói thiệt, khi nghe người ta nói rứa, tui thấy vui lắm”.
Không chỉ thành công trong kinh doanh, cơ sở của bà Hà Thị Xuân còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hiện cơ sở thường xuyên có hơn 20 lao động, được trả lương 4-5 triệu đồng/tháng. Công việc làm bánh ở cơ sở của bà không khác dây chuyển sản xuất công nghiệp, mỗi người một việc, một công đoạn. Ngoài ra, với gần hai tấn bột sắn, 1,5 tạ lá chuối cùng số lượng lớn tôm, thịt ba chỉ làm nhân bánh được tiêu thụ mỗi ngày, cơ sở của bà cũng góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác.
Sau 10 năm làm bánh, gia đình bà đã thoát nghèo và trở thành một điển hình về xóa đói, giảm nghèo của thành phố Đồng Hới. Giờ đây du khách gần xa biết đến các món bánh của gia đình bà Xuân như một đặc sản của Đồng Hới. Với tấm lòng tương thân, tương ái, bà Xuân đã nhận con cháu của nhiều thanh niên xung phong, gia đình khó khăn trong phường vào làm việc hoặc cho nhận bánh về bán với giá ưu đãi. Bà cũng sẵn lòng giúp đỡ một số gia đình khó khăn bằng các khoản tiền cho vay không lãi để giúp họ vượt qua khó khăn.
Giờ đây, món quà quê giản dị này không chỉ là sản phẩm của cơ sở sản xuất bánh gia đình mệ Xuân, đó còn là niềm tự hào của người dân Đồng Hới, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của miền trung.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- NHỮNG MÓN ĂN NHẤT ĐỊNH PHẢI THỬ KHI ĐẾN HUẾ
- Ngắm những địa danh tuyệt đẹp ở Nepal trước khi có trận động đất xảy ra