Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (viết tắt theo tiếng Anh là PAPI) là công cụ đo lường định lượng thường niên nhằm cung cấp một bức tranh tổng thể về hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật của bộ máy chính quyền các cấp trong nhiều lĩnh vực.
Báo cáo cũng đánh dấu 10 năm kể từ khi chương trình nghiên cứu xây dựng Chỉ số PAPI được khởi xướng vào giữa năm 2009. Báo cáo phản ánh trải nghiệm và ý kiến của 14.304 người dân được chọn ngẫu nhiên từ toàn bộ 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc với phương pháp chọn mẫu khoa học theo chuẩn mực quốc tế, đảm bảo đặc điểm nhân khẩu đa dạng của mẫu.
Báo cáo cũng tóm lược ý kiến của 117.363 lượt người dân đã tham gia trả lời khảo sát PAPI và đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua phỏng vấn trực tiếp từ năm 2009 đến 2018.
Trong 10 năm qua, PAPI cung cấp dữ liệu và dẫn chứng phản ảnh hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong sáu lĩnh vực nội dung chính gồm: (i) tham gia của người dân ở cấp cơ sở, (ii) công khai, minh bạch trong việc ra quyết định, (iii) trách nhiệm giải trình với người dân, (iv) kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, (v) thủ tục hành chính công, và (vi) cung ứng dịch vụ công.
Bên cạnh đó, PAPI cũng được cập nhật thường xuyên nhằm phản ánh những đổi mới chính sách ở Việt Nam, cung cấp các chỉ báo mới về hiệu quả quản trị và hành chính công nhằm đáp ứng với nhu cầu và đòi hỏi mới của xã hội. Năm 2018, chương trình nghiên cứu PAPI đã điều chỉnh, lược bỏ và bổ sung một số chỉ tiêu đo lường ở một số nội dung.
Thực tế là khi Việt Nam ngày càng phát triển, nền quản trị và hành chính công sẽ ngày càng đối mặt với nhiều thách thức hơn. Hai trong số những vấn đề mới nổi đó là quản trị môi trường và quản trị điện tử. Do đó, từ năm 2018, Chỉ số PAPI đo lường thêm hai chỉ số nội dung mới, gồm quản trị môi trường và quản trị điện tử.
Các tiêu chí đánh giá mới tập trung tìm hiểu khía cạnh quản trị công có sự tham gia của người dân (ngoài vai trò của Nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công) trong từng khâu của quá trình ra quyết định và sẽ tiếp tục được bổ sung trong những năm tới. Mục tiêu cuối cùng của việc đưa thêm hai chỉ số nội dung này là nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp của đông đảo người dân và cung cấp một số dẫn cứ phục vụ đổi mới chính sách bảo vệ môi trường (như một hàng hóa công) và phát triển chính phủ điện tử (có sử dụng nguồn lực công phục vụ xã hội).
Báo cáo PAPI 2018 tóm tắt những phát hiện nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng phục vụ các cấp chính quyền rà soát lại những gì đã làm được hoặc chưa làm được trong việc nâng cao hiệu quả quản trị, hành chính công, cung ứng dịch vụ công, đồng thời đưa ra một số đề xuất giúp các cấp chính quyền đổi mới nhằm từng bước cải thiện cung cách phục vụ nhân dân.
Báo cáo cũng giới thiệu một số thay đổi chính trong nội dung Chỉ số PAPI 2018 nhằm bổ sung một số chỉ tiêu, chỉ báo đánh giá các chính sách mới được đưa vào thực hiện cũng như đánh giá hiệu quả hành động thực tiễn của các cấp chính quyền trong thực thi chính sách, pháp luật trên phạm vi toàn quốc.
Các cấp, các ngành có thể theo dõi hiệu quả công vụ qua thời gian ở từng lĩnh vực nội dung thông qua Chỉ số PAPI gốc với số liệu so sánh qua các năm từ 2011 đến 2018, đồng thời nghiên cứu Chỉ số PAPI 2018 để có thêm góc nhìn của người dân về hiệu quả công vụ ở hai lĩnh vực mới đưa vào nghiên cứu PAPI.