Ngày 7/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ nhậm chức sau khi nhận được 446/490 phiếu tán thành tại Quốc hội. Tại lễ tuyên thệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết nỗ lực "thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp hữu hiệu chống tham nhũng và chống lãng phí, đảm bảo toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và sự thống nhất đất nước.
Hãng tin Reuters đưa tin, ông Phúc - 61 tuổi, người Quảng Nam - sẽ là người dẫn dắt đất nước theo con đường phát triển bền vững, cùng lúc cũng phải gánh vác trọng trách tái cấu trúc khu vực quốc doanh và hệ thống ngân hàng, cải thiện nền tài chính và giúp nền kinh tế Việt Nam đỡ phụ thuộc vào các nguồn đầu tư nước ngoài.
Các tờ báo, hãng tin quốc tế cũng dự đoán rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phải đối mặt với những thử thách rất lớn trong nhiệm kỳ mới, đòi hỏi chính phủ phải có những bước đi quyết liệt trong việc tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước và hệ thống ngân hàng, nâng cao vị thế tài chính của đất nước, và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Bloomberg dẫn lời chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần nhanh chóng thể hiện cam kết tiến hành cải cách và thu hút đầu tư. “Cần cho thế giới thấy Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài và là một nền kinh tế có tầm cỡ trong khu vực, cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm”, ông Nguyễn Xuân Thành, một chuyên viên cấp cao tại trường Harvard Kennedy tại thành phố Hồ Chí Minh bình luận.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định rằng những thay đổi đó đòi hỏi phải có biện pháp cải cách chính trị chứ không chỉ nhờ vào sự may mắn.
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, đây là một mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh quốc gia đang phải đối mặt với đe dọa từ tình trạng hạn hán có khả năng sẽ hạn chế sản lượng nông nghiệp trong năm nay.
Tạp chí Time của Mỹ dẫn lời ông Murray Hiebert, chuyên gia phân tích Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định rằng ông Phúc sẽ là người tiếp tục lèo lái đất nước Việt Nam trên con đường phát triển và cải cách kinh tế trước thềm gia nhập TPP và trong bối cảnh đầy thách thức là đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán do ảnh hưởng của El Nino có khả năng ảnh hưởng lớn tới nông nghiệp.
Hãng tin Kyodo News của Nhật Bản cũng đưa tin về tân Thủ tướng của Việt Nam, nói rằng ông Phúc sẽ là người tiếp nối đà cải cách thị trường một cách sâu rộng. Về thách thức, Kyodo nói rằng tân Thủ tướng sẽ phải mặt với việc giải quyết những căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và cải cách kinh tế.
"Rõ ràng đó là một nhiệm vụ rất khó khăn, bởi tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay đang rất thách thức. Tôi nghĩ rằng mọi người đều đang kỳ vọng vào quyết tâm lớn và những bước cải cách vững chắc của ông Phúc", tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhà kinh tế học cấp cao, phát biểu với Reuters.
Vũ Minh