"Chúng tôi đang ở giữa một thảm kịch lịch sử", Thủ tướng Hubert Trinis cho biết cơn bão đã gây ra sự tàn phá "chưa từng có tiền lệ".
Cơn bão cấp 4 (sức gió đạt 210-249 km/h) sau khi đổ bộ vào Bahamas đã gần như không di chuyển. Các mái nhà bị xé nát, xe cộ bị gió cuốn bay lên cao, buộc các đội cứu hộ phải trú ẩn cho đến khi cơn bão qua đi.
Các quan chức cho biết họ đã nhận được một số lượng lớn các cuộc gọi của người dân từ các ngôi nhà bị ngập lụt. Một đài phát thanh đã nhận được hơn 2.000 tin nhắn, bao gồm các báo cáo về một em bé 5 tháng tuổi mắc kẹt trên mái nhà và một bà cụ có 6 cháu nội đã phải chui lên nóc nhà để thoát khỏi dòng nước lũ.
Ít nhất 21 người đã bị thương ở Bahamas và được sơ tán bằng trực thăng. Cảnh sát trưởng Samuel Butler kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh và chia sẻ tọa độ GPS của họ, nhưng ông nói các đội cứu hộ phải đợi cho đến khi điều kiện thời tiết được cải thiện.
"Chúng tôi chỉ đơn giản là không thể đến với các bạn", ông Butler phát biểu trên đài phát thanh ZNS của Bahamas.
Trong khi đó tại Mỹ, Trung tâm Bão quốc gia đã tăng cường theo dõi và cảnh báo trên khắp bờ biển hai bang Florida và Georgia. Các chuyên gia dự đoán bão Dorian sẽ ở ngoài khơi, nhưng nhà khí tượng học Daniel Brown cảnh báo rằng cơn bão vẫn có khả năng đổ bộ vào đất liền.
Cơn bão dự kiến sẽ đi theo hướng tây bắc và tấn công bang Florida của Mỹ vào thứ Ba. Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 4 tiểu bang dọc theo bờ biển phía đông nam của đất nước. Hạt St. Johns của Florida đã ban hành lệnh sơ tán bắt buộc.
Một cuộc di tản bắt buộc trên toàn bộ bờ biển Nam Carolina đã có hiệu lực vào thứ Hai bao gồm khoảng 830.000 người.
Vào Chủ nhật vừa qua, sức gió tối đa của Dorian lên tới 297 km/h, tạo ra kỷ lục về cơn bão mạnh nhất từng xuất hiện trên Đại Tây Dương. Cơn bão duy nhất được ghi nhận mạnh hơn là bão Allen xuất hiện vào năm 1980, với sức gió đạt 305 km/h.