Bảo hiểm nhân thọ - Bài 3: "Bán bia kèm lạc", đánh đu câu chữ làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bộ Tài chính chấp thuận cho Công ty Manulife triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị Manulife – Điểm tựa đầu tư. Nhưng khi giao dịch với khách hàng, Manulife không quên bán kèm một loạt sản phẩm bảo hiểm phụ khác.

"Bán bia kèm lạc"

Ngày 13/9/2017, Bộ Tài chính có Công văn số 12200/BTC-QLBH chấp thuận cho Manulife được triển khai sản phẩm “bảo hiểm liên kết đơn vị” đóng phí định kỳ (phiên bản 2) theo đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí được phê chuẩn. Trên website của Manulife giới thiệu tên sản phẩm là “Manulife – Điểm tựa đầu tư”, phí định kỳ hằng năm là 7,2 triệu đồng.

Bảo hiểm nhân thọ - Bài 3: "Bán bia kèm lạc", đánh đu câu chữ làm gì? ảnh 1
Mẫu sản phẩm Điểm tựa đầu tư mà Manulife ghi chú là được Bộ Tài chính phê duyệt chỉ có một sản phẩm chính 7,2 triệu đồng/năm. Và phần ghi chú: "... chịu mọi rủi ro".

Theo Thông tư 135 của Bộ Tài chính năm 2012, “bảo hiểm liên kết đơn vị” là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. “Cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm”.

Phần bảo hiểm rủi ro là chi phí dùng để chi trả cho các rủi ro như tử vong, thương tật vĩnh viễn... quyền lợi thường rất cao. Phần đầu tư là chi phí được công ty bảo hiểm đưa đi đầu tư tại các quỹ để sinh lời (hoặc thua lỗ thì người mua bảo hiểm chịu).

Tháng 2/2023, Cục quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã chuyển đơn tố giác của người dân về việc gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng SCB nhưng lại thành hợp đồng bảo hiểm Manulife tới cơ quan điều tra Bộ Công an. Người dân tố giác và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo.

Chị P. mua sản phẩm là “Manulife – Điểm tựa đầu tư” trong 20 năm, phí định kỳ hằng năm là 7,2 triệu đồng – theo các quy định trên thì con số này đã bao gồm đầy đủ phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư, tỷ lệ như thế nào thì phía Manulife không thông tin. Tuy nhiên, trong hợp đồng có thể hiện số tiền được Manulife phân bổ vào 2 quỹ (đầu tư) có tên Cân bằng (50%) và Phát triển (50%) là hơn 4,2 triệu đồng. Manulife ghi chú rằng: “Khách hàng được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro trong đầu tư”.

Sẽ không có gì để nói nếu hợp đồng của chị P. không xuất hiện một loạt các sản phẩm bổ trợ (chị P. tự nguyện mua kèm) với số tiền hơn 7,5 triệu đồng/năm (cao hơn cả sản phẩm chính 7,2 triệu đồng). Theo đó, sản phẩm bổ trợ bao gồm nhiều gói nhỏ như: Bảo hiểm bệnh lý nghiêm trọng (hơn 1,5 triệu đồng), Bảo hiểm trợ cấp y tế (875 nghìn đồng), Bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn (hơn 1 triệu đồng), Bảo hiểm tử vong và thương tật do tai nạn (1 triệu đồng), Quyền lợi điều trị nội trú bạc (hơn 2,6 triệu đồng) và Hỗ trợ đóng phí do bệnh lý nghiêm trọng của người được bảo hiểm (485 nghìn đồng).

Bảo hiểm nhân thọ - Bài 3: "Bán bia kèm lạc", đánh đu câu chữ làm gì? ảnh 2

Còn đây là trang hợp đồng Manulife giao cho khách hàng bao gồm cả sản phẩm nhân thọ và phi nhân thọ, tổng là 14,7 triệu đồng/năm.

Trao đổi với phóng viên, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm cho biết: “Lúc trước thì không có, nhưng thời gian gần đây, thị trường bảo hiểm bắt đầu có những động thái thay đổi mạnh. Điều khoản bảo hiểm hợp đồng chính của Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dần tách nhỏ ra thành các sản phẩm phụ. Bản chất sản phẩm phụ đều là sản phẩm phi nhân thọ. Bảo hiểm phi nhân thọ có thể hiểu một cách đơn giản như bảo hiểm xe máy, nếu không có gì xảy ra thì mỗi năm khách hàng phải đóng tiếp và không tích lũy.

Ví dụ, lúc trước, trường hợp tai nạn dẫn đến thương tật vĩnh viễn nằm trong sản phẩm chính (quyền lợi khách hàng rất cao) thì nay được tách làm sản phẩm phụ (khách hàng phải mua thêm sản phẩm phụ này mới được hưởng quyền lợi bảo hiểm). Đối với sản phẩm phụ liên quan đến sức khỏe, tai nạn... trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hiện nay y chang vậy, nhưng mức phí sẽ tăng dần hằng năm, vì khi tuổi người tham gia bảo hiểm càng lớn, mức độ rủi ro càng cao...”.

Nhìn vào trang hợp đồng mà chị P. cung cấp có thể thấy rõ Manulife đang bán cả bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ trong một gói (tổng là 14,7 triệu đồng, thay vì 7,2 triệu đồng như biểu phí đã đăng ký).

Mẫu công khai của Manulife (được Bộ Tài chính phê duyệt) không có sản phẩm bổ trợ, nhưng hợp đồng giao cho khách lại xuất hiện sản phẩm bổ trợ thì đây là kiểu “bán bia kèm lạc, tính tiền cả hai”. Trong khi đó, Bộ Tài chính chấp thuận hai sản phẩm này riêng biệt, bằng 2 văn bản khác nhau (lần lượt là 12200/BTC-QLBH và 12201/BTC-QLBH). Và Thông tư 135 của Bộ Tài chính năm 2012 hướng dẫn triển khai “sản phẩm liên kết đơn vị” không thấy đề cập đến “bảo hiểm phi nhân thọ”.

Đánh đu câu chữ để làm gì?

Như đã trình bày ở bài đầu tiên, anh N. mua gói bảo hiểm Manulife cho con gái, đến nay là năm thứ 2, nếu rút tiền sẽ mất 100%. Cô L. gửi tiết kiệm SCB lại biến thành bảo hiểm Manulife, hai năm sau, cô đề nghị rút tiền thì được phía công ty thông báo bị mất 100% tiền đã đóng.

Bảo hiểm nhân thọ - Bài 3: "Bán bia kèm lạc", đánh đu câu chữ làm gì? ảnh 3

Không chỉ Manulife mà các quy tắc, điều khoản của những công ty bảo hiểm khác cũng vô cùng đánh đố khách hàng.

Tại Manulife, phần này được cài vào Phí chấm dứt hợp đồng: “Phí chấm dứt hợp đồng phát sinh khi hợp đồng bị chấm dứt trước ngày đáo hạn, và sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào năm phí bảo hiểm. Phí chấm dứt hợp đồng là tỷ lệ phần trăm tính trên phí bảo hiểm cơ bản quy năm tại thời điểm cấp hợp đồng...”. Điều khoản này là một cách đánh đu câu chữ, từ định nghĩa này chạy sang định nghĩa kia rồi lại vòng về định nghĩa nọ. Vô cùng phức tạp và khó hiểu! Rất nhiều người từng mua bảo hiểm cho biết: “đọc hợp đồng không hiểu gì”.

Cụ thể, từ năm 1-3 là 100%, từ năm 4-5 là 90%, năm thứ 6 là 50%... Như Manulife định nghĩa thì họ chỉ tính phần trăm của phí bảo hiểm cơ bản, nghe thì ngỡ rất nhỏ, nhưng thật ra, phí bảo hiểm cơ bản là khoản phí mà người mua phải đóng vào sản phẩm chính - là tất cả số tiền của khách hàng đóng vào hợp đồng bảo hiểm (riêng bảo hiểm bổ trợ, là phi nhân thọ, đương nhiên không tích luỹ). Ví dụ dễ hiểu, như hợp đồng của chị P., bảo hiểm phụ là 7,5 triệu đồng sẽ mất đi sau một năm, bảo hiểm chính là 7,2 triệu đồng, trừ 100%, con số bằng 0. (Ở đây chưa đề cập một rừng phí khác mà Manulife trừ đi trong tiền bảo hiểm của khách hàng).

Với điều khoản như vậy, tất cả khoản tiền khách hàng đóng vào hợp đồng bảo hiểm trong 3 năm đầu tiên tại Manulife sẽ mất hết, dù có là 100 triệu đồng, 1 tỷ đồng hay 10 tỷ đồng cũng mất trắng như nhau. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng được biết. Việc này là câu chuyện của diễn viên Ngọc Lan. Nếu Ngọc Lan rút tiền ngay thời điểm này thì nữ diễn viên mất hết hơn 2 tỷ đồng (như cô nói trên livestream).

Không chỉ có một mà rất nhiều điều khoản khác cũng mập mờ đánh lận con đen, lắt léo, đánh đu từ trước ra sau, từ đông sang tây làm khách hàng dù có đọc cũng không biết đâu mà lần. Điều này trái với nguyên tắc trung thực tuyệt đối mà Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định.

Mà như thế đã hết đâu, trong bộ hợp đồng mà Manulife giao cho khách hàng bao giờ cũng có rất nhiều bảng minh hoạ quyền lợi bảo hiểm với vô số khái niệm na ná nhau dễ gây hiểu nhầm, như: tổng QL bảo vệ, QL duy trì HĐ, GTTK cơ bản, GTTK đóng thêm, GTTK hợp đồng, Giá trị hoàn lại... kèm theo đó là những con số - là số tiền đóng vào, rút ra, tỷ lệ đầu tư cao thấp... xem qua thì toàn là “đầu tư có lời”, đóng tiền càng lâu lời càng cao.

Nhưng vấn đề lại nằm ở ghi chú của Manulife: “Khách hàng được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro trong đầu tư”. Và chính phía Manulife khi trả lời thắc mắc của khách hàng “tại sao nghĩa vụ 58 năm, quyền lợi chỉ 20 năm” cũng nói rằng: “Bảng đó chỉ là minh hoạ”. Minh hoạ, tức không phải là thật! Câu chuyện của cô L. trong bài đầu tiên là ví dụ điển hình nhất cho việc lời nói gió bay và giấy trắng mực đen con dấu đỏ mới là quan trọng nhất.

Tới đây có thể thấy, trong hợp đồng của Manulife đầy những mập mờ. Mà Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật”. (Còn tiếp...).

Bảo hiểm một kiểu như nhau


Không chỉ Manulife mà nhiều công ty bảo hiểm khác đang có mặt trên thị trường Việt Nam cũng áp đặt những điều khoản khó hiểu vào hợp đồng bảo hiểm, đánh đu câu chữ như một ma trận từ ngữ không thể hiểu nổi.

Theo Giấy chứng nhận bảo hiểm của Dai-ichi life, tổng số tiền chị Ng. phải đóng hằng năm cho sản phẩm “An tâm song hành” là 8,2 triệu đồng/năm, trong đó, sản phẩm chính là hơn 6 triệu đồng, sản phẩm bổ trợ là 2,2 triệu đồng. Hợp đồng của Dai-ichi life nêu: “Phí chấm dứt hợp đồng trước hạn là tỷ lệ phần trăm trên giá trị trung bình phí bảo hiểm cơ bản quy năm của 12 tháng liền kề trước đó”.

Phí này được áp dụng như sau: từ năm 1-3 là 90%, từ 4-6 là 75%... Dai-ichi- life định nghĩa: “Phí bảo hiểm cơ bản bao gồm phí bảo hiểm cơ bản của sản phẩm chính và phí bảo hiểm cơ bản của (các) sản phẩm bổ trợ”. Căn cứ trên Giấy chứng nhận bảo hiểm của chị Ng. thì 90% của 8,2 triệu đồng thì chỉ rút được 820 ngàn đồng. Sản phẩm này có thời hạn hợp đồng là 70 năm (2023-2093) nên bất kỳ lúc nào người mua chấm dứt hợp đồng cũng là vi phạm hợp đồng.

Tương tự, anh T. cung cấp cho chúng tôi một hợp đồng bảo hiểm của AIA, sản phẩm chính là “An phúc trọn đời ưu việt”, thời hạn hợp đồng là 72 năm từ 2021-2093, đóng tiền là 16 triệu đồng/năm. Hiện anh T. đã đóng được 2 năm là 32 triệu đồng. Theo bảng minh hoạ quyền lợi đi kèm, số tiền có thể rút được trong hai năm đầu tiên “để trống”. Anh T. nói: “Như vậy có nghĩa là 2 năm đầu mà rút ra là mất trắng”.

Theo bảng quy tắc và điều khoản được FWD công khai trên website với sản phẩm “Đón đầu thay đổi 2.0”, phí chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, cụ thể, từ năm 1-3 là 100%, năm thứ 4, 5, 6 lần lượt là 90%, 80%, 70%. Và như đã phân tích, số tiền rút ra trong 3 năm đầu tiên bằng 0 đồng.

Dù những điều khoản, câu chữ này thế nào đi nữa thì bản chất vẫn là: Khách hàng mua bảo hiểm từ 1-3 năm đầu tiên sẽ mất từ 90% - 100% tiền đã đóng. Khách hàng mong muốn lấy lại tiền phải tiếp tục đóng thêm tiền vào bảo hiểm.

Các đại biểu tặng hoa tri ân ông, bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê
Trưng bày cố định Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-2024), sáng ngày 23/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97 Phó Đức Chính, Q.1) đã khai mạc Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng nhằm tôn vinh di sản nghệ thuật của danh họa này.
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
(Ngày Nay) - Chùa Pháp Hoa là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ở trung tâm thành phố xô bồ, chùa Pháp Hoa yên bình tĩnh lặng đến lạ. Không chỉ là ngôi chùa cổ có lịch sử gần 100 năm, nơi đây còn là cái nôi văn hóa Phật pháp, được nhiều du khách thập phương tìm về hành hương mỗi dịp lễ Phật.
Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường
(Ngày Nay) -  Để ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường, tỉnh Ninh Thuận tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và kinh tế - xã hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường hiệu quả, bền vững.
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.