Chiếc áo đã chật
Không chỉ là câu chuyện thưởng thức mỹ thuật, mà tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (quận 1) còn là dấu ấn với nhiều người theo năm tháng. Một người bạn đi cùng bà Ngọc Hà, bà Lâm Thị Thu Cúc (53 tuổi) kể: “Tôi không hiểu nhiều về tranh ảnh nhưng hay tới đây cùng nhóm bạn vì thích kiểu thiết kế của tòa nhà này. Tòa nhà còn đứng đây như một minh chứng về kiến trúc xưa ở thành phố mình và cũng là nơi ghi nhiều kỷ niệm của nhóm bạn bè chúng tôi, cứ hễ cuối tuần lại rủ nhau ra đây, có khi là coi tranh, chụp ảnh, hoặc ủng hộ một người bạn có tranh được triển lãm ở đây”.
Một số hạng mục của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đang xuống cấp. - Ảnh: Dũng Phương |
Vẫn là một tòa nhà mang kiến trúc độc đáo, kết hợp giữa 2 trường phái mỹ thuật Á - Âu, nhưng hiện tại nhìn từ bên ngoài, bảo tàng ít nhiều đã vơi đi nét thẩm mỹ: mảng tường vôi bong tróc, vết nứt chạy dài theo tường, nền phía ngoài cũng trồi sụt, cửa rào phụ hoen gỉ phải đóng chặt…
“Tôi đến đây cũng 3 lần rồi, bên trong tranh ảnh, trưng bày khá ổn nhưng cảnh quan bên ngoài nhìn vào thấy cũ, nhất là phía ngoài xung quanh bảo tàng, nhiều hàng quán vỉa hè, rồi ly nhựa vứt lung tung, cả quần áo cũng treo lên cổng hàng rào của bảo tàng, nhìn vào thấy lôi thôi lắm”, Lê Hoài Thanh (24 tuổi, ngụ quận 5) cho biết.
Trước tình trạng tường nhà và cổng ra vào Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM phía đường Lê Thị Hồng Gấm có độ nghiêng lớn và nguy cơ đổ sụp ra vỉa hè, do ảnh hưởng từ công trình cao ốc khu tứ giác Bến Thành hồi tháng 9-2020 vừa qua, một rào chắn tạm đã được lắp đặt tại khu vực này để không gây nguy hiểm cho người qua lại.
Cũng như Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia hoặc cấp thành phố, nhưng với tình hình hiện tại, không gian một số bảo tàng ở TPHCM dường như là một chiếc áo đã cũ và chật.
Ảnh: Dũng Phương |
Một số chỗ tường có vết nứt, thấm dột và những mảng vôi bong tróc loang lổ khiến không gian Bảo tàng TPHCM (đường Lý Tự Trọng, quận 1) bị ảnh hưởng khá nhiều. Nguyễn Tú Hân (sinh viên năm 2 Đại học Sài Gòn) chia sẻ: “Đi tham quan, tôi thấy đường hầm nền gạch cũng chắc chắn, nhưng tường vôi có chỗ vôi rớt trúng áo, nên đi được nửa đoạn đường, chúng tôi quay lên luôn”.
Anh Lê Văn Long (26 tuổi, thợ chụp ảnh tự do) chia sẻ: “Tôi thường xuyên ra vào đây chụp ảnh, vì kiến trúc ở đây đẹp lên hình ưng mắt nhiều người. Nhưng nhiều chỗ tường vôi loang lổ, nhất là mấy bữa sau mưa còn vết thấm lớn, chụp hình cũng phải canh góc lắm để tránh. Cầu thang gỗ có lúc bước chân nghe ọp ẹp cũng thấy hơi sợ”.
Một thuyết minh viên tại Bảo tàng TPHCM cũng nhìn nhận: “Những nhóm khách lẻ thì không sao, nhưng với các đoàn học sinh, sinh viên số lượng lớn thì nhà vệ sinh trong bảo tàng cũng quá tải vì chỉ có 2 khu vực, nên không được thoải mái lắm cho khách tham quan”.
Đừng để bảo tàng… tàn
Bảo tàng Lịch sử TPHCM (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) là bảo tàng đầu tiên và lâu đời nhất ở TPHCM. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ Ban giám đốc bảo tàng, từ năm 1975 đến nay, hầu như chưa có lần trùng tu lớn nào, mỗi năm chỉ tu sửa nhỏ vài chỗ không đáng kể.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Mặc dù chưa ghi nhận phản ánh khó chịu từ khách tham quan về không gian, nhưng ở góc độ quản lý, tôi nhìn nhận bảo tàng có tình trạng thấm dột và lún nứt vài khu vực và số lượng hiện vật hiện tại khá nhiều so với không gian trưng bày nên việc trưng bày chưa thật sự ấn tượng về mặt thẩm mỹ. Việc trùng tu ở một số bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử TPHCM không phải đơn giản, vì đây là di tích kiến trúc nghệ thuật nên việc trùng tu phải có đội ngũ am hiểu về kiến trúc di tích, chứ không thể tu sửa như công trình xây dựng thông thường được”.
Đang thực hiện đề tài nghiên cứu sau đại học ngành kiến trúc, anh Trần Ngọc Phú (27 tuổi) chia sẻ: “Những người ngoài chuyên môn chủ yếu tới tham quan hiện vật hay xem tranh ảnh, riêng với tôi, bảo tàng còn là nơi nghiên cứu, học tập. Vì những tòa nhà này đã xây dựng cách đây rất lâu nên việc xuống cấp và có họa tiết không còn nguyên vẹn là điều đáng tiếc. Bảo tồn để lưu giữ được kiến trúc cũ, thiết nghĩ là những việc cần làm ngay lúc này. Như Bảo tàng Lịch sử TPHCM mang kiến trúc phong cách Đông Dương rất độc đáo, không phải nơi nào cũng có được”.
Trong khi đó, với Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, UBND TPHCM cũng đã có chỉ đạo, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT và các đơn vị liên quan yêu cầu chủ đầu tư công trình cao ốc khu tứ giác Bến Thành thực hiện khắc phục khẩn cấp theo nguyên trạng và báo cáo về UBND TPHCM trước ngày 26/11.
Việc bảo tàng cần được bảo tồn về mặt không gian, kiến trúc để phát triển xứng tầm hơn trong hiện tại và tương lai là việc cần thiết trong lúc này. Và để có thể xóa bỏ khái niệm “cũ và chán” cho bảo tàng, những hình thức tiếp cận mới với khách tham quan cũng là điều các bảo tàng cần lưu ý bên cạnh không gian kiến trúc, hiện vật... Website, Fanpage, hay một số nền tảng mạng xã hội chia sẻ video, hình ảnh - đây là những kênh tiếp cận khách hữu hiệu trong thời buổi công nghệ và mạng xã hội rầm rộ. Tuy nhiên, hiện tại chưa nhiều bảo tàng chú trọng vào việc này, giao diện website còn khá “chán”, thông tin, hình ảnh chưa thật sự ấn tượng và fanpage chưa tiếp cận được nhiều với khách tham quan.
Một số bảo tàng ở TPHCM hiện nay mang dấu ấn phong cách kiến trúc đặc trưng cho một giai đoạn phát triển của thành phố, vì vậy nó có giá trị không chỉ về mặt kiến trúc mà cả giá trị lịch sử. Mỗi nơi hoàn toàn không có bản sao và không nơi nào giống nơi nào, ví dụ như phong cách kiến trúc Đông Dương của Bảo tàng Lịch sử TPHCM hoàn toàn khác với phong cách kiến trúc Đông Dương một số công trình ở Hà Nội. Vì thế, việc bảo tồn và trùng tu bảo tàng là rất cần thiết và phải có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, vì những nơi này không chỉ đơn thuần là bảo tàng mà còn là di tích kiến trúc nghệ thuật".
TS BÙI BÁ NGUYÊN KHANH - Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM