Các hoạt động này có sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc anh em (Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer) từ 12 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng).
Điểm nhấn đặc biệt trong tháng 11 là sự kiện Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" diễn ra từ ngày 16-23/11 và biểu dương 90 điển hình tiêu biểu trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ VHTT&DL chủ trì, phát động thực hiện.
Sau đó, hoàng loạt sự kiện khác sẽ được triển khai, gồm: Triển lãm ảnh với chủ đề "90 năm một chặng đường vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" và "Sắc màu di sản văn hóa; lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng cây tại vườn cây đại đoàn kết các dân tộc; trình diễn không gian đờn ca tài tử - Di sản Văn hóa phi vật thể của Việt Nam và giới thiệu ẩm thực dân gian Nam Bộ (giới thiệu các loại bánh mang đậm bản sắc ẩm thực Nam Bộ); tọa đàm "Phát huy vai trò của người tiêu biểu trong khối xây dựng khối đại đoàn kết và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc"; hoạt động giao lưu văn hóa quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nghề truyền thống của một số tỉnh, thành phố; các hoạt động thể thao, thi đấu võ thuật cổ truyền và trình diễn xe mô tô của CLB Mô tô Học viện Cảnh sát nhân dân; tái hiện lễ hội Kate (Di sản Văn hóa phi vật thể của dân tộc Chăm, tỉnh Ninh Thuận); ngày hội văn hóa các dân tộc các vùng miền Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và các hoạt động trải nghiệm của du khách.
Chương trình nghệ thuật "Huyền thoại Hoa của đá" của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc và đồng bào các dân tộc tại thung lũng hoa tam giác mạch với các khúc ca ngợi truyền thống dân tộc anh em, ca ngợi quê hương đất nước, một số ca khúc gắn với đời sống hiện đại hướng tới chủ đề tình anh em trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam hướng về chủ đề "Đại đoàn kết - Cội nguồn dân tộc"; giới thiệu văn hóa, ẩm thực mang hương vị vùng cao tại không gian các làng dân tộc.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động của các nhóm nghệ nhân hưởng ứng Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2020 với những màn biểu diễn dân ca dân vũ, trò chơi dân gian gắn kết giữa các nhóm đồng bào và du khách. Giới thiệu nghề thủ công truyền thống và những sản phẩm mang tính ứng dụng và sinh hoạt giúp du khách hiểu, trải nghiệm quy trình của các nghệ nhân được thao tác một trong những công đoạn của quy trình ấy và mua những sản phẩm bà con tự làm.
Du khách sẽ được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như: Ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ..., biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng: đàn Chapi, đàn đá, ca khúc về Tây Nguyên…
Cũng trong dịp này, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức giới thiệu bộ ảnh "Sắc hồng cao nguyên" với những bức ảnh về cao nguyên núi đá Hà Giang, hoa tam giác mạch trên cao nguyên núi đá gắn liền với cuộc sống và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang…
Ngoài ra, trong các hoạt động hằng ngày và mỗi cuối tuần trong suốt tháng 11 vẫn có chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu cách làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc anh em, qua đó tạo điểm đến, thu hút khách du lịch, từng bước hoàn thiện sản phẩm du lịch Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.