Kính (thủy tinh) và kính màu là vật liệu gắn bó hàng ngàn năm nay với lịch sử nhân loại, được sử dụng làm đồ dùng sinh hoạt, trang trí, làm phương tiện lấy ánh sáng và chiếu sáng, là vật liệu vô cùng quan trọng trong nghệ thuật và kiến trúc. Kính màu được nhận định là một trong những phương tiện đem lại nhiều cảm hứng sáng tạo nhất cho nhiều thế hệ nghệ nhân và nghệ sĩ, là chất liệu không thể thiếu được để làm nên vẻ đẹp tráng lệ, lung linh, huyền ảo cho nghệ thuật kiến trúc từ cổ điển đến đương đại. Màu sắc cùng với tạo hình của thủy tinh là hai ngôn ngữ chính của nghệ thuật thủy tinh và kính màu.
Từ cuối thế kỷ 19, với sự phát triển không ngừng của tiến bộ khoa học - công nghệ chế tác kính màu ở châu Âu và Hoa Kỳ, cùng với tốc độ phổ cập nhanh chóng vào đời sống của nghệ thuật kính màu, càng ngày càng xuất hiện nhiều dòng kính màu và thủy tinh màu đặc biệt. Các sản phẩm thủy tinh do con làm ra được phát hiện có từ cách đây 5.500 năm, nhưng ở nhiều nước châu Á, trong đó Việt Nam, ngành chế tạo kính màu bản địa dường như chỉ xuất hiện thông qua sự du nhập của người phương Tây cách đây vài thế kỷ.
Bảo tàng chuyên đề về nghệ thuật thủy tinh đầu tiên tại Việt Nam
Số lượng bảo tàng chuyên đề về kính màu và nghệ thuật kính màu chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong hệ thống bảo tàng thế giới. Trong bối cảnh đó, việc mở ra một bảo tàng chuyên đề về nghệ thuật kính màu ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần làm đa dạng hóa lĩnh vực bảo tồn và bảo tàng ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Bảo tàng Nghệ thuật Kính màu (tên tiếng Anh: Art Glass Museum, gọi tắt là Bảo tàng Kính màu) ra đời, đóng trú tại Trại Da Vinci (Ba Vì, Hà Nội), nhằm tạo nên một điểm nhấn văn hóa độc đáo, mới mẻ, có sức hấp dẫn, có thể đem lại nhiều cảm hứng và những giá trị bổ ích. Công chúng và giới mộ điệu có thể tìm đến Bảo tàng như một địa chỉ tin cậy cung cấp kiến thức về kính màu và nghệ thuật kính màu, điều này góp phần bồi dưỡng trình độ hiểu biết nghệ thuật, nâng cao thị hiếu và thẩm mỹ cho đại chúng.
Trao đổi với Ngày Nay, bà Trần Thị An Lộc, Phó Giám đốc Bảo tàng Kính màu cho biết: “Quan sát các bảo tàng lớn nhất tại các trung tâm văn hóa thế giới như ở Paris (Pháp), London (Anh), Sant Peterburg (Nga), Dresden (CHLB Đức), New York (Hoa kỳ)… có thể thấy trên 50% hiện vật ở các bảo tàng nói trên trong quá khứ vốn là tài sản tinh thần thuộc về các quốc gia khác”. Các tác phẩm có thể là chiến lợi phẩm lưu lạc, hoặc sản phẩm có được thông qua mua bán đấu giá, những chủ sở hữu bảo tàng “sẵn sàng chi rất nhiều tiền để có cho bằng được các tinh hoa, các tác phẩm nghệ thuật của các dân tộc khác nhằm làm phong phú cho kho tài nguyên văn hóa của họ”, bà nhấn mạnh.
Bảo tàng Kính màu được hình thành trên cơ sở bộ sưu tập hơn 1.000 hiện vật nghệ thuật thủy tinh và kính màu có giá trị do ông Nguyễn Xuân Thắng, người sáng lập bảo tàng công phu sưu tầm trong gần 40 năm ở nước ngoài, hoặc thông qua đấu giá trên các sàn đấu giá quốc tế, hay đặt các nghệ nhân hàng đầu thế giới chế tác dựa theo các nguyên bản duy nhất của các bảo tàng. Bộ sưu tập độc đáo và có giá trị này đã được ông Nguyễn Xuân Thắng hiến tặng cho cộng đồng thông qua sự điều hành và quản lý của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam (VFUA).
Ngôi nhà trưng bày của Bảo tàng Kính màu với diện tích hơn 2.000 m2 sử dụng được khởi công xây dựng vào đầu năm 2022, thực hiện theo phương thức xã hội hóa (không sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước) thông qua sự đóng góp của một số hội viên VFUA, một số người yêu mến nghệ thuật kính màu và yêu mến hoạt động UNESCO.
Điểm đến hứa hẹn thu hút khách du lịch và giới mộ điệu
Trên thực tế, ở Việt Nam hầu như không có lịch sử về thủy tinh, công nghệ chế biến thủy tinh khởi đầu khi người Pháp đến Việt Nam. Hiện tại, mới chỉ tìm thấy được những hiện vật chế tạo sơ sài như chén, ly, chai lọ và đèn dầu Hoa Kỳ cỡ nhỏ, chưa tìm thấy được các sản phẩm thủy tinh dân dụng mang tầm vóc nghệ thuật (trừ một số tranh sơn vẽ trên kính vào TK 19 ở Huế).
Ông Nguyễn Xuân Thắng cho hay: “Để thực hiện chương trình xây dựng bảo tàng trong điều kiện tài chính cá nhân có giới hạn, việc chọn lựa trong quá trình sưu tầm các hiện vật không chỉ dựa vào ý muốn, kén chọn giá trị nghệ thuật và thương mại, càng không thể chạy theo sở thích (gout) mà cần cân nhắc chọn lựa trong khả năng tài chính cho phép để có được các hiện vật mang tính tiêu biểu đại diện cho các dòng thủy tinh khá nổi tiếng theo thời gian và theo khu vực địa lý vốn được nhiều người biết đến hoặc vẫn còn mới lạ đối với người Việt Nam.”
Theo thiết kế dự kiến, Bảo tàng có ba khu vực trưng bày chính:
Thứ nhất là khu vực trưng bày các hiện vật liên quan đến lịch sử nghệ thuật kính màu với các hiện vật khảo cổ về thủy tinh, các sản phẩm ứng dụng kính màu.
Kế tiếp là khu vực trưng bày các nguyên tác nghệ thuật kính màu cổ cỡ lớn của của các nước có lịch sử phát triển nghệ thuật kính màu lâu đời có giá trị cao đại diện cho các dòng kính màu kiến trúc Gothique và Baroque, Classic và New Classic.
Cuối cùng là khu vực trưng bày các tác phẩm nghệ thuật kính màu dòng Cận đại có giá trị được sưu tầm từ nhiều quốc gia như: Các dòng thủy tinh nghệ thuật chế tác nóng của Bohemian (Tiệp Khắc), thuỷ tinh Murano (Ý), thủy tinh Anh, Hoa Kỳ, các dòng thủy tinh đa sắc, thủy tinh lưỡng sắc, thủy tinh phát quang… trong đó dành sự ưu tiên đặc biệt cho dòng kính màu nghệ thuật Tân Hiện đại (Art Nouveau) mà tiêu biểu là nghệ thuật kính màu của Tiffany.
Giá trị của các hiện vật phụ thuộc vào mức độ hiếm hoi và kích thước của hiện vật. Hơn 1.000 hiện vật tương đương hơn 1.000 câu chuyện riêng gắn liền với sự ra đời, quá trình tìm kiếm và đấu giá, hành trình vòng quanh thế giới, cuối cùng an toàn về đến Việt Nam.
“Có lẽ câu chuyện bảo tàng là nhân duyên nên chỉ có hai, ba hiện vật bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, trong khi hơn 1.000 hiện vật kính màu và thủy tinh màu mong manh dễ tổn thương, có những hiện vật nặng hàng tạ nhưng chúng đã chu du một cách thành công đến kinh ngạc, vượt qua hàng nghìn cây số máy bay và tàu thủy để về đến nơi chúng cần đến: Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ với niềm tự hào và cảm kích.
Khi được hỏi về hiện vật mà người sáng lập tâm đắc nhất, ông đã giới thiệu bức tranh kính màu chủ đề Giáng Sinh (The Nativity). Tác phẩm kính màu đã tiêu tốn bảy năm để ông có thể trọn vẹn sở hữu. Đây là bức tranh kính màu kinh điển khổ lớn cao 8 mét, rộng 6 mét do hãng làm tranh kính nổi tiếng nhất thế giới là hãng “Mayer Munich” (Đức) chế tác cho một nhà thờ Thiên Chúa Giáo ở New York vào đầu thế kỷ 19 (vì một số lý do xã hội đặc biệt nên nhà thờ này được chuyển sang vị trí khác). Năm 2019, bức tranh đã được chuyển giao lại cho Bảo tàng Nghệ thuật Kính màu ở Việt Nam. “Theo đánh giá của các chuyên gia ở Hoa Kỳ, bức tranh này được xếp hạng là một trong những tác phẩm kính màu kinh điển đẹp nhất thế giới và sẽ là một trong những điểm nhấn của Bảo tàng Nghệ thuật Kính màu”, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết.
Bảo tào Nghệ thuật Kính màu dự kiến sẽ ra mắt công chúng vào tháng 10/2024.