Liên quan đến vụ gian lận điểm thi tại Sơn La, ngày 17/11, theo báo Người Đưa Tin, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La vừa hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung số 03, ngày 15/11/2019 vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La”.
Bản kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan an ninh điều tra thể hiện: Bị can Trần Xuân Yến (nguyên Phó giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) giai đoạn điều tra ban đầu khai rõ việc giúp nâng điểm cho 13 thí sinh là do động cơ cá nhân, tình cảm đồng nghiệp, bạn bè, người thân.
Mục đích là để các thí sinh đủ điểm xét tuyển vào các trường đại học theo nguyện vọng nhưng giai đoạn kết thúc điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm đến nay, bị can thay đổi lời khai phủ nhận toàn bộ lời khai trước đây, cho rằng việc nhận, chuyển thông tin cá nhân 13 thí sinh là để nhờ “xem điểm”.
Các bị cáo trong vụ gian lận thi cử Sơn La |
Bằng những tài liệu và chứng cứ thu thập được cơ quan An ninh điều tra có đủ cơ sở kết luận bị can Trần Xuân Yến vì động cơ cá nhân đã nhận thông tin của 13 thí sinh chuyển cho Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí) sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh này.
Từ đó, Cơ quan An ninh điều tra kết luận, hành vi của bị can Trần Xuân Yến đã phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 2, Điều 356, BLHS.
“Quá trình điều tra bị can không thành khẩn khai báo, quanh co, bao biện cho hành vi phạm tội, cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật”, bản kết luận nêu rõ.
Công an tỉnh Sơn La đã bắt tạm giam bị can Trần Xuân Yến. Trước đó, ông Yến bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng cơ quan điều tra xác định ông Yến có hành vi gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử vụ án.
Kết quả điều tra bổ sung xác định một số bị can có động cơ, mục đích vụ lợi, đồng thời xác định có dấu hiệu của tội phạm Nhận hối lộ và tội phạm Đưa hối lộ.
Theo đó, ngày 21/10/2019, cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với bị can Lò Văn Huynh về tội Nhận hối lộ, quy định tại khoản 2, Điều 354 BLHS.
Quyết định khởi tố bị can Lò Thị Trường (SN 1976, trú tại phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) về tội Đưa hối lộ, theo quy định tại khoản 2, Điều 364 BLHS.
Cơ quan An ninh điều tra ra quyết định khởi tố bị can Lò Thị Trường |
Trong một diễn biến khác liên quan, báo Tổ Quốc cho hay, theo các Quyết định số 147 và 148, ngày 07/11/2019, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Văn Phúc, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Cò Nòi và bà Nguyễn Thị Dung, Bí thư Chi bộ, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Hát Lót.
Cùng đó, ngày 12/11, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Sơn La có quyết định số 42 xử lý kỷ luật bà Nguyễn Thị Hương, Chi ủy viên Chi bộ 1, Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và Chính trị tư tưởng, sở GD&ĐT tỉnh Sơn La bằng hình thức cảnh cáo.
Cả 3 đảng viên bị kỷ luật cảnh cáo đều là đối tượng trung gian đã nhờ xem điểm cho một số thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La.
Trước đó, ngày 15/10, TAND tỉnh Sơn La đã đưa vụ án gian lận thi cử xảy ra tại tỉnh này ra xét xử đối với loạt cán bộ, quan chức công tác trong ngành giáo dục.
Trong số 8 bị cáo hầu tòa liên quan đến vụ nâng điểm thi ở Sơn La, duy nhất bị cáo Trần Xuân Yến – nguyên Phó giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La không thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Bị cáo Yến cho rằng mình chỉ có hành vi nhờ xem điểm chứ không phải là nhờ nâng điểm.
Các bị cáo còn lại là Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí), Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng phòng chính trị sở GD&ĐT), Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Đinh Hải Sơn (cán bộ công an tỉnh), Nguyễn Thanh Nhàn (Phó trưởng phòng Khảo thí) và Đỗ Khắc Hưng (cán bộ công an tỉnh) thừa nhận đã nâng điểm cho 44 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.