Vụ gian lận thi cử năm 2018 ở Sơn La đã kết thúc điều tra giai đoạn 1. Cơ quan an ninh điều tra Công an Sơn La đã chuyển hồ sơ vụ án sang Viện Kiểm sát cùng cấp. Bên cạnh quan tâm đến việc xét xử tới đây đúng người, đúng tội để răn đe, dư luận cũng lo lắng tỉnh Sơn La chuẩn bị kỳ thi năm 2019 như thế nào, đặc biệt là công tác nhân sự khi mà cả Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chánh thanh tra và một loạt cán bộ liên quan đến sai phạm, trong đó 6/8 người thuộc Sở Giáo dục Sơn La bị khởi tố. Về nội dung này, PV/VOV- Tây Bắc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Chiến, người mới được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La cách đây gần 1 tháng, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia năm 2019 của tỉnh Sơn La.
PV: Trước hết xin ông cho biết đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 tại tỉnh Sơn La đã được triển khai đến đâu?
Ông Nguyễn Văn Chiến: Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 tại tỉnh Sơn La có 10.608 thí sinh tham gia dự thi, các thí sinh sẽ thi ở 33 điểm thi, với 453 phòng thi.
Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được thực hiện theo đúng quy định và tiến độ. Cụ thể là chúng tôi đã thành lập được Ban chỉ đạo kỳ thi. Ban chỉ đạo kỳ thi lần này thì có 6 trường tham gia, gồm: Học viện Báo chí tuyên truyền, Đại học Kiểm sát, Đại học sư phạm Hà Nội 2, Đại học Tài chính – Ngân hàng, Cao đẳng sư phạm tỉnh Điện Biên và Cao đẳng sư phạm Hòa Bình.
Chúng tôi cũng đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thi, trong đó có lãnh đạo Sở, lãnh đạo các phòng ban và đặc biệt là năm nay lãnh đạo các trường Đại học, Cao đẳng đến coi thi tại tỉnh cũng trực tiếp tham gia vào Hội đồng thi và các Ban thi. Thứ 2 là về trang thiết bị thì chúng tôi đã trang bị hệ thống camera giám sát ở những nơi quan trọng, như nơi sao in đề thi, nơi bảo quản để thi, bài thi, nơi chấm thi…
Có thể nói đến nay mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được triển khai chu đáo, đầy đủ, tất cả đã sẵn sàng. Đến thời điểm này không còn gì vướng mắc.
PV: Sở đã bố trí những cán bộ như thế nào để thay các vị trí chủ chốt đã bị khởi tố vì liên quan đến sai phạm kỳ thi năm ngoái?
Ông Nguyễn Văn Chiến: Nội dung này Bộ GD – ĐT đã có những hướng dẫn rất cụ thể. Tất cả các trường hợp đó đều không tham gia kỳ thi đợt này. Những vị trí trống đó, theo quy chế, chúng tôi đã lấy ở các phòng, ban của Sở; hai là các đồng chí lãnh đạo các trường Đại học, Cao đẳng phối hợp; thứ ba là trưởng các phòng, ban của các trường Cao đẳng, Đại học đấy. Chính vì thế mà các đồng chí ở các trường Cao đẳng, Đại học tham gia làm công tác thi năm nay sẽ tham gia ở tất cả các phần việc, từ Ban chỉ đạo, đến Hội đồng thi và các Ban thi. Đến giờ này thì tất cả các nhân sự đó về cơ bản đã được chuẩn bị xong.
PV: Sau những lùm xùm về gian lận trong kỳ thi năm ngoái, những vấn đề nào được ngành chú ý rút kinh nghiệm để việc tổ chức kỳ thi năm nay đạt kết quả tốt hơn?
Ông Nguyễn Văn Chiến trả lời phóng viên VOV. |
Ông Nguyễn Văn Chiến: Theo tôi những hạn chế nhất của năm trước có thể một phần do những kẽ hở trong Quy chế thi chưa được chặt chẽ.
Tuy nhiên, những việc đó đã được Bộ GD-ĐT điều chỉnh trong Quy chế thi năm nay. Vì vậy, tôi nghĩ đã rất chặt chẽ rồi, có lẽ muốn làm sai năm nay cũng không làm sai được.
PV: Để tâm lý thí sinh và người nhà thí sinh không bị ảnh hưởng bởi các gian lận trong kỳ thi trước; đồng thời có tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ngành đã chú trọng việc tuyên truyền như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Chiến: Ban chỉ đạo chúng tôi đã họp và triển khai các nhiệm vụ. Thành viên Ban chỉ đạo có Chủ tịch, hoặc Phó Chủ tịch UBND các huyện.
Chúng tôi cũng xác định công tác tuyên truyền là việc đầu tiên. Thứ nhất là truyên truyền cho toàn thể nhân dân, đặc biệt là cha mẹ học sinh và các cháu học sinh nắm được quy chế. Thứ 2 là thực hiện nghiêm túc các nội dung để tổ chức tốt kỳ thi đợt này. Thực tế, mọi người cũng yên tâm về công tác chuẩn bị cho kỳ thi bởi mọi việc đều đã được chuẩn bị rất chu đáo./.
PV: Xin cảm ơn ông./.