Theo The Sun, bé Prinsa Rathava, 7 tháng tuổi, ở Gujarat, Ấn Độ đã được phẫu thuật thành công để loại bỏ bào thai dị dạng của em song sinh ra khỏi cơ thể. Trước đó, bố mẹ của Prinsa nhận thấy một khối u trên người con từ khi mới sinh nhưng không để tâm. Cho đến khi Prinsa được 5 tháng tuổi, khối u này phát triển với tốc độ chóng mặt.
Cặp vợ chồng đưa con đến bệnh viện Nội trú Gujarat. Các bác sĩ phát hiện Prinsa đang mang trong mình bào thai của em song sinh. Tình trạng của bé gái 7 tháng tuổi này được gọi là thai trong thai, rất hiếm gặp trên thế giới, xảy ra với tỷ lệ 1/500.000.
Theo các bác sĩ, thai trong thai là những cặp song sinh đồng trứng nhưng do phân chia quá muộn của một trong hai phôi khiến nó bị phần kia bao bọc toàn bộ. Bào thai này nằm trong cơ thể của bào thai khỏe mạnh và tiếp tục phát triển nhưng mang khiếm khuyết.
Sự lớn lên không ngừng của bào thai này gây ra hiện tượng chèn ép các cơ quan nội tạng, đe dọa tính mạng của Prinsa. Vì vậy, vào ngày 19/2, kíp mổ bao gồm 6 bác sĩ, y tá và 3 chuyên gia gây mê, đã thực hiện ca phẫu thuật để lấy bào thai nặng song sinh ra khỏi cơ thể của Prinsa.
Trưởng phòng phẫu thuật khoa nhi của bệnh viện Nội trú Gujarat, bác sĩ Rakesh Joshi, cho biết: "Bào thai trong bụng của Prinsa nặng 130 g, đã có cột sống, não, đầu, cánh tay và hậu môn. Nó nằm giữa khu vực dạ dày và hai quả thận của Prinsa. Bé gái đang trong tình trạng hồi phục sau khi mổ. Cô bé sẽ sớm xuất viện và nếu không có biến chứng thì cô bé sẽ lớn lên khỏe mạnh, bình thường", bác sĩ Rakesh nói thêm.
Theo báo chí địa phương, mẹ của Prinsa sinh con lần đầu và không thực hiện siêu âm trong thai kỳ.
Theo Ngôi sao