Ths.BS Diệp Quế Trinh, khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, ngày 16/3, các bác sĩ sẽ phẫu thuật tháo khớp 4 ngón (ở 2 bàn tay) bị hoại tử để cứu bé Trần Tiến Phước (5 tuổi ở Kiên Giang) khỏi bị nhiễm trùng, nhiễm độc.
Trước đó, ngày 8/3, bé được bệnh viện địa phương chuyển lên trong tình trạng bỏng 10 đầu ngón tay, mặt, mắt.
Theo bác sĩ Trinh ngoài việc tháo khớp ngón 4, 5 hoại tử ở 2 bàn tay, các bác sĩ đang cố gắng giữ lại các ngón tay khác cho bé. Tuy nhiên, các ngón tay của bé bị cháy sâu, ảnh hưởng đến khả năng vận động, di chứng để lại rất nặng nề. Bệnh nhi còn bị bỏng độ 3 ở vùng mặt, mắt. Sau khi phẫu thuật tháo các khớp hoại tử, bác sĩ sẽ tiến hành ghép da cho bệnh nhi.
Bà Lê Thị Mình (56 tuổi, bà ngoại bệnh nhi) cho biết sáng 7/3, trong lúc người ông đang làm việc, Phước đã lấy sợi kẽm găm vào ổ điện, khiến bé bất tỉnh. Thấy cháu nằm trên nền nhà, ông ngoại không biết Phước bị điệt giật nên lại bế xốc cháu lên và cũng bị ảnh hưởng.
Theo bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng phòng Công tác xã hội, gia cảnh của bé hết sức khó khăn. Ông ngoại bị bệnh tim, mọi chi phí dồn hết lên đôi vai của người mẹ làm công nhân. Lãnh đạo bệnh viện đã miễn chi phí điều trị cho cháu. Tuy nhiên, thời gian để bé hồi phục mất khoảng 2 tháng nên rất cần sự trợ giúp của cộng đồng.
Theo các bác sĩ, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận từ 1-2 ca bị bỏng điện. Khi biết con bị điện giật, người lớn nên dùng que khô, đồ nhựa cách điện để cứu nạn nhân.