Cách thành phố Đồng Hới khoảng hơn 20 km về phía Tây Nam, du khách có thể theo đường Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh hoặc ngược dòng Nhật Lệ, dòng Long Đại để đến với núi Thần Đinh, chùa Non - điểm du lịch tâm linh. Giữa màn sương mờ ảo của tiết trời ngày xuân, trên đường lên chùa Non với hơn 1.000 bậc đá xếp, du khách được chiêm ngưỡng những cây rừng cao vút cùng những vòm hang đã có từ ngày xưa như: Hang Trống, hang Chiêng, hang Tiên, hang Chùa...
Du khách lên với chùa Non.
Lên tới đỉnh núi, nhìn từ xa một bức tranh thủy mặc trải rộng, chạy dài từ trên kia Lệ Thủy, ôm trọn Quảng Ninh, thấu hết Đồng Hới. Những khúc sông uốn lượn, áp sát chân núi là Rào Đá (Thạch Giang), Rào Trù, Rào Con, Rào Nậy…. cùng hợp lưu cho dòng Long Đại càng thêm xanh.
Từ trên đỉnh núi cao, khi tầm nhìn mở rộng trải dài, ta mới hiểu “Trường Sa vi bản, Hạc Hải vi nghiêm” (dãi cát Trường Sa làm trang giấy, phá Hạc Hải làm nghiên mực), và hướng về phía Tây Bắc ta càng hiểu “Đầu Mâu vi bút” (núi Đầu Mâu làm ngọn bút).
Đặc biệt, thế núi, hướng núi khi nằm ở phía Đông là ngọn Kỳ Lân, ở phía Tây Bắc là ngọn Thần Đinh và ở phía Tây Nam ngọn Long Lão là cao nhất... Bức tranh non xanh, nước biếc, dải lụa làng quê thanh khiết cho hồn người cứ lâng lâng, thanh tịnh.
Dấu tích chùa Non trên đỉnh Thần Đinh còn sót lại.
Theo các nhà nghiên cứu, trước đây trên núi Thần Đinh có một ngôi chùa cổ tương truyền được xây dựng vào năm Chánh Hòa thứ 21, đời vua Lê Hy Tông (1680-1705), do sư thầy An Khả trụ trì. Chùa nằm trên núi cao nên người dân bản địa quen gọi là chùa Non. Còn theo sách sử cũ ghi lại rằng: “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật” (núi Đầu Mâu nhiều tiên, núi Thần Đinh nhiều Phật). Sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An có ghi “Thần Đinh tốt luật, thế bình thôn tứ bách chi châu” (Núi Thần Đinh nguy nga, thế hùng dũng trùm bốn trăm châu).
Mộ cổ trên đỉnh núi Thần Đinh.
Còn trong cuốn sách Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình, cụ Nguyễn Tú viết “Đầu Mâu nhiều tiên hay không, không ai thấy cũng chẳng ai rõ, duy núi Thần Đinh thì có Phật thật, vì ở đó có ngôi chùa thờ Phật, đến nay còn có dấu tích rõ ràng...”
Ngày xuân, được về chốn thâm nghiêm ở chùa Non, núi Thần Đinh để được chiêm ngưỡng bao kỳ thú thơ mộng, cảm giác ngọt ngào, âm hưởng non cao, chiêm ngưỡng về đời và đặc biệt là thỏa lòng cùng những lời cầu quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc, xóm làng bình yên.
Xuân Thi