Ngày 13/4, Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Liên bang Bỉ, Zakia Khattabi thông báo, nước này cấm sử dụng dầu đậu nành và dầu cọ làm nhiên liệu sinh học từ năm 2022.
Bà Khattabi cho biết xăng sinh học làm từ dầu cọ sẽ không còn được phép sử dụng trên thị trường Bỉ cũng như trong lĩnh vực vận tải, trong khi đậu nành sẽ bị cấm làm nguyên liệu trong vận chuyển và nhiên liệu sinh học kể từ năm 2023.
“Những nhiên liệu này, ngoài việc có ít hoặc không có lợi thế hơn so với nhiên liệu hóa thạch thông thường ở góc độ chống biến đổi khí hậu, còn dẫn đến nạn phá rừng, làm mất đa dạng sinh học và thậm chí vi phạm nhân quyền”, bà Khattabi khẳng định.
Theo Bộ trưởng, việc sử dụng dầu cọ làm nhiên liệu sinh học, vốn được cho là có hại nhất, đã tăng gấp 10 lần trên thị trường Bỉ từ năm 2019-2020, đạt 231 triệu lít, và kể từ năm 2022 trở đi, các nhà sản xuất dầu sinh học sẽ phải phát triển nhiên liệu sinh học theo phương thức khác.
“Để đảm bảo nhu cầu dầu sinh học cho thị trường Bỉ, cần có các đồn điền trồng cọ với tổng diện tích lớn hơn 100.000 sân bóng đá. Theo các nghiên cứu mới được công bố, ít nhất một nửa số đồn điền cọ này được trồng trên đất đã bị phá rừng trong thời gian gần đây", bà Khattabi nói.
Bà Khattabi cũng cho biết thêm rằng đây là biện pháp đầu tiên mà Bỉ thực hiện kể từ khi nước này tham gia Hiệp định Đối tác Tuyên bố Amsterdam, một thỏa thuận nhằm loại bỏ nạn phá rừng liên quan đến sản xuất nông nghiệp vào năm 2025.
Đây cũng là bước đi đầu tiên nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực đến môi trường của chính sách nhiên liệu sinh học của Bỉ. Trong thời gian tới, Chính phủ Bỉ cũng sẽ giảm nhu cầu về nhiên liệu sinh học bằng cách tập trung vào vận tải điện và đường sắt.
PV