Ba vụ đi ở đình đám nhất làng thể thao Việt
Trước Đinh Thị Thúy, TTVN từng xảy ra hàng loạt vụ lùm xùm liên quan đến chuyện đi ở, mà trong đó đình đám nhất là trường hợp của Nguyễn Hữu Hà, Nguyễn Văn Hạnh (bóng chuyền) và Vũ Thị Hương (điền kinh).
Ở vụ lùm xùm đi ở hồi 2009 với CLB Tràng An Ninh Bình, chủ công bóng chuyền hàng đầu Việt Nam Nguyễn Hữu Hà vì muốn dứt áo ra đi rồi tự ý rời đội đã phải trả một cái giá rất đắt. Anh phải nhận các hình thức kỷ luật cả về Đảng lẫn công chức, bị “treo tay” tại các giải quốc nội và ĐTQG.
Phải mất 1 năm ngồi ngoài, đội bóng mới Đức Long Gia Lai và chính Hà mới có thể thuyết phục được đội bóng Cố đô chịu ngồi vào đàm phán, đồng ý giải phóng cho Hà với mức phí 1,35 tỷ đồng.
Giống như đàn anh Hữu Hà, chủ công bóng chuyền Nguyễn Văn Hạnh đã tự ý thương thảo rồi tự nghỉ Tràng An Ninh Bình để về đầu quân cho Đức Long Gia Lai. Chỉ khác, trước đó, anh đến với đội bóng cố đô cũng theo cách “đi đêm”. Rút kinh nghiệm từ Hữu Hà, lần này Tràng An Ninh Bình đã chủ động kiện Hạnh để đòi bồi thường phí chuyển nhượng. Vụ việc phức tạp, căng thẳng tới mức phải qua tới 4 lần hoãn xử, lên tới cả cấp phúc thẩm. Cuối cùng, sau khi mất cả một lượt đi của mùa 2011, Hạnh đã phải chấp nhận mất 450 triệu đồng để được tự do.
Khi kết thúc hợp đồng với Thái Nguyên vào cuối 2007, kỷ lục gia đường chạy ngắn Vũ Thị Hương lập tức xin ra đi, cho dù chưa quyết định chọn đơn vị nào khác. Bất chấp lãnh đạo hết thuyết phục lại quay ra đe nạt, Hương vẫn kiên quyết “có phải giải nghệ cũng không ở lại”. Dù hợp cả lý lẫn tình song “nữ hoàng tốc độ” vẫn bị Thái Nguyên làm khó tới cả năm trời, trước khi đồng ý giải phóng cho chị với một thông báo... miệng.
Bản quy chế 35 năm tồn tại cho có
Có nhiều lý do dẫn đến hiện trạng đi ở tệ hại của TTVN, mà trong đó thiếu hẳn những hành lang quản lý, điều chỉnh cần thiết, phù hợp.
Ngoại trừ bóng đá và bóng chuyền, hiện tại các môn đều chưa có được một quy chế chuyển nhượng VĐV “khung” làm hành lang cho dòng chảy đang ngày càng nóng của TTVN này.
Thậm chí, một số môn liên tục xảy ra kiện tụng, tranh chấp, điển hình như xe đạp cũng chưa ra được quy chế, cho dù đã khởi động từ cách đây hàng thập kỷ.
Trong khi đó, cả ngành thể thao đang áp dụng một quy chế “gốc” do cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, ban hành từ cách đây 31 năm, mà tất cả các điều khoản vốn chẳng mấy cụ thể, thực tế thì đã bị lạc hậu.
Từ đó đã dẫn đến một thực trạng nhốn nháo, bất cập với đủ các hiện tượng và chiêu trò, địa phương này đi đêm, bắn tỉa VĐV của đơn vị kia, đơn vị chủ quản sẵn sàng dìm VĐV, tìm đủ mọi cách để gây khó dễ khi họ có nhu cầu chuyển đi nơi khác, cho dù có lý do chính đáng đến đâu… Tất cả đều diễn ra theo kiểu tự thỏa thuận, tùy hứng mà không theo một quy chuẩn nào. Như ví von của chính những người trong cuộc, thay vì đảm bảo tính chuyên nghiệp, lành mạnh, việc chuyển nhượng VĐV của TTVN lại là câu chuyện phổ biến “mạnh ai nấy chạy và thấy lợi cho mình thì làm”.
Ngay như trường hợp đơn phương xin thanh lý hợp đồng với thể thao TP HCM của kình ngư Phương Trâm cách đây vài năm, vấn đề cũng sẽ được giải quyết bởi đơn vị chủ quản và gia đình VĐV, chứ không dựa vào quy chế nào của cả môn bơi.
Rất bi hài vì như bóng chuyền, dù có quy chế chuyển nhượng VĐV hẳn hoi, với đầy đủ các điều khoản, song cũng đang bị việt vị hoàn toàn.
Tuyển thủ quốc gia Đinh Thị Thuý hết hạn hợp đồng, nộp đơn rời CLB Ngân hàng Công thương từ 24/4/2019. Tuy nhiên, CLB Ngân hàng Công thương không đồng ý, vì cho rằng theo quy định của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, chủ công của tuyển Việt Nam phải thi đấu cho đội tới khi 23 tuổi hoặc đền bù mới có thể nghỉ do được đào tạo trẻ ở đội. Đinh Thị Thuý cho biết sẵn sàng đền bù nhưng phải có hợp đồng. Trong khi đó phía Ngân hàng Công thương lại không đưa ra được bất cứ giấy tờ hợp lệ nào. Thúy cho hay “Khi lên đội một, tôi có ký hợp đồng một năm. Sau khi hết hạn vào tháng 5/2017, CLB không đưa giấy tờ cho tôi ký dù tôi vẫn thi đấu cho đội. Đến khi xảy ra vụ việc, họ chìa cho tôi hợp đồng, đề nghị tôi ký”. Chủ công của tuyển Việt Nam cho biết khi chuyển từ Hà Nam lên năm 14 tuổi, chỉ duy nhất có giấy tờ bố mẹ cô ký đồng ý cho chuyển đội.
Vướng mắc ở đây nằm ở chỗ, trên thực tế, CLB có công đào tạo Thúy, song lại quá nghiệp dư trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của VĐV, thông qua một bản hợp đồng đào tạo.