Môn Toán: Cẩn thận, tránh lỗi đáng tiếc như giải tắt, nhầm dấu
Cô Phan Hải Quế, Tổ trưởng tổ Toán, trường THCS & THPT Marie Curie, Hà Nội |
- Các em học sinh nên dành thời gian ôn các chủ đề và luyện nhiều dạng đề khác nhau. Với mỗi đề thi nên đặt ra thời gian làm bài và tự tính xem phân bố thời gian ở các câu đã hợp lý chưa.
- Các em nên tham khảo đề trong 3 – 4 năm gần nhất vì cấu trúc đề ít thay đổi.
- Với bộ môn Toán, các học sinh cần nắm chắc kiến thức trọng tâm, luyện tập giải đề nhuần nhuyễn theo sự hướng dẫn thầy cô giáo nhằm đạt được điểm tối đa ở những câu hỏi dễ hoặc có độ khó vừa phải trong phổ điểm từ 7-8.
- Tránh những lỗi đáng tiếc: Giải tắt, tính toán sai, nhầm dấu. Đặc biệt trong bài hình học, vẽ sai hình có thể làm học sinh mất toàn bộ điểm.
- Sau khi kiểm tra kỹ các bài mức khá 8 – 8,5 điểm, các em hãy suy nghĩ đến các câu khó còn lại. Thực tế có những học sinh giỏi làm được câu khó nhưng lại mất điểm câu dễ vì không cẩn thận.
- Cuối cùng, ôn – luyện – ôn nhưng không nên quá tải 4 – 5 tiếng liền, cần thư giãn nghỉ ngơi hợp lý để lấy cảm hứng cho bài học tiếp theo.
Môn Văn: Tập viết thật nhiều những đoạn văn ngắn rành mạch
Cô Phùng Thu Hằng, Tổ trưởng tổ Văn - Sử, trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội |
- Điều đầu tiên, cô muốn các em học sinh phải giữ gìn sức khoẻ thật tốt. Đừng phung phí sức khỏe vào những việc khác như thức đêm cày phim, chơi game... Sức khỏe và tinh thần không tốt thì học không hiệu quả.
- Riêng đối với môn Văn, các em học sinh cần lưu ý ôn tập theo từng chuyên đề với phương châm “học đến đâu chắc đến đó”, học xoay vòng nhiều lần để tránh quên kiến thức. Mỗi ngày nên dành ít nhất 1 đến 2 tiếng cho môn Văn.
- Cần nuôi dưỡng một tâm hồn yêu văn học nghệ thuật bằng cách đọc sách hàng ngày, để lồng ghép được cảm nhận riêng của mình vào bài văn. Môn Văn là môn không thể học vẹt được, phải hình thành được tư duy, cảm nhận riêng thì mới mong đạt được điểm cao.
- Hãy tập viết những đoạn văn ngắn và tập trả lời một số câu hỏi như như tiểu sử tác giả, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề... thường xuyên.
- Với những bạn có học lực ở mức trung bình khá, các em nên chia nhỏ vấn đề trong một bài ra để học, mỗi hôm ôn tập một vài phần để dễ dàng nắm bắt kiến thức hơn.
Về sau, với mỗi tác phẩm, hãy cố gắng tự tạo ra bố cục của riêng mình và ôn tập theo bố cục đó. Hãy tin tưởng vào tư duy của bản thân.
Môn Tiếng Anh: Luyện kỹ các bộ đề thi của Sở GD&ĐT
Cô Phạm Thủy, Tổ trưởng tổ Tiếng Anh, Trường THCS & THPT Marie Curie, Hà Nội |
- Học đến đâu phải vững đến đó, thấy phần nào chưa hiểu phải bù ngay. Tôi thấy nhiều học sinh lớp 6 và phụ huynh của các em chưa để tâm nhiều lắm tới việc trau dồi ngoại ngữ, mà đến lớp 8, lớp 9 mới phát hiện con mình bị hổng rồi cố nhồi nhét. Học như vậy sẽ không hiệu quả.
- Tốt nhất là nên tiếp xúc với giáo viên bản ngữ từ khi mới học ngoại ngữ. Nếu không có điều kiện, học sinh vẫn có thể tham gia các khóa học tiếng Anh miễn phí hoặc giá rẻ, kết hợp với đọc sách tiếng Anh (cả sách thường lẫn E-book), xem video, xem phim có phụ đề tiếng Anh về lĩnh vực mình quan tâm...
Học ngoại ngữ là cả một quá trình liên tục, không ngừng nghỉ, kiến thức phải được tích lũy dần đều qua năm tháng.
- Đề thi chuyển cấp không khó với những học sinh đã nắm vững kiến thức cơ bản, nhưng lại rất khó với những học sinh bị hổng kiến thức. Với các học sinh đã vững kiến thức, chỉ cần luyện đi luyện lại các bộ đề thi do Sở Giáo dục & Đào tạo gửi về cho các trường là được. Còn với học sinh bị hổng kiến thức, phải tìm cách lấp lại hết cho các em bằng một giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, kết hợp với các phương pháp học nêu trên.
Môn Vật lý: Tập trung đọc kỹ đề bài ở các câu hỏi dễ, tránh chủ quan
Cô Ngô Thị Tùng Lâm, Giáo viên Bộ môn Vật lý, trường THPT Việt Đức, Hà Nội |
- Bài thi môn Vật lý thường xoay vần với 40 câu hỏi, các bạn thí sinh sẽ thực hiện trong vòng 50 phút. Điều này đòi hỏi các bạn cần chú ý phân bổ thời gian làm bài hợp lý để giải được cả những câu hỏi khó trong đề, qua đó đạt được kết quả tốt nhất.
- Học sinh cần nắm chắc lý thuyết cơ bản và các công thức vật lý, đặc biệt cần ôn tập thật kỹ kiến thức Vật lý lớp 12, bám sát theo chương trình sách giáo khoa.
- Trong quá trình làm bài thi, các bạn thí sinh cần tập trung đọc kỹ đề bài ở các câu hỏi dễ ở mức 1 và mức 2, tránh chủ quan để bị mất điểm bởi Vật lý là môn học có nhiều công thức và rất dễ bị nhầm lẫn.
- Các bạn học sinh cần thường xuyên luyện đề, vận dụng các công thức và kỹ năng tính toán trong các kiểu bài cụ thể để dành được điểm ở các câu hỏi khó hơn thuộc mức 3 và mức 4.
Môn Lịch Sử: Đọc kỹ đề thi và gạch chân các từ khoá quan trọng
Cô Bùi Thị Phượng, Giáo viên Bộ môn Lịch sử, trường THPT Việt Đức, Hà Nội |
- Học sinh cần nắm vững được những nội dung cơ bản, bao gồm cả phần lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Với kỳ thi THPT quốc gia , trọng tâm cần học kỹ là kiến thức nằm trong phần Lịch sử lớp 12 theo chương trình SGK. Đây là điều kiện tiên quyết để các bạn học sinh có thể làm tốt bài thi môn Lịch sử.
- Tập trung ôn luyện những câu hỏi trắc nghiệm lịch sử, bám sát theo cấu trúc đề thi minh hoạ của Bộ GD&ĐT.
- Với phần lịch sử Việt Nam, riêng với các bạn học sinh lớp 12 cần chú ý ôn tập nội dung theo khung thời gian được chia rất rõ trong SGK như: 1919 – 1930, 1930 -1945, 1945 – 1954, 1954 – 1975, 1975 – nay.
- Khi tiếp cận đề thi, thí sinh cần lưu ý phải đọc kỹ đề, gạch chân các từ khoá quan trọng. Trong quá trình làm bài, nếu như cảm thấy chưa chắc chắn với đáp án đã lựa chọn, thí sinh có thể sử dụng phương pháp loại trừ để tìm được câu trả lời phù hợp nhất.
Phạm Bích Ngọc - Việt Khôi