Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, mặc dù có Luật Thủ đô nhưng lại có luật tự do cư trú nên người dân có quyền cư trú nơi nào phù hợp với điều kiện sống của họ, do vậy Hà Nội chịu sức ép rất lớn về vấn đề phát triển hạ tầng giao thông.
Bí thư Hoàng Trung Hải trả lời phóng viên bên lề Quốc hội (Ảnh: Đức Duy) |
- Thưa Bí thư, việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân được thành phố chuẩn bị như thế nào?
Bí thư Hoàng Trung Hải: Trong 5 năm vừa qua, lượng xe ôtô tăng khoảng 16,9%/năm, dân số tăng 2,4% và xe máy tăng gần 8%, nhưng diện tích nội đô vẫn như vậy, chưa kể tốc độ đầu tư cho đường sá hạ tầng của Thủ đô chỉ 3,9%/năm, từ đó đã nhìn thấy nhiều bất cập.
Về nhà ở, nhiều ý kiến nói tại sao không bố trí lại dân cư, để dân ở một nơi đi làm một nơi..., nhưng mình không bố trí được điều đó vì chọn nơi ở là quyền của người dân, có người ưu tiên chọn nơi gần chỗ đi làm, có người lại ưu tiên chọn nơi ở gần chỗ con đi học, có người ưu tiên chọn gần ở bố mẹ già để có điều kiện chăm sóc và những cái đó thành phố không can thiệp được.
Lãnh đạo Thành phố đang rất nỗ lực cố gắng giảm mật độ dân cư khu trung tâm, việc này đã có định hướng, có kế hoạch chiến lược từ lâu nhưng đều bất cập ở chỗ vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiếu nhưng đó vẫn chỉ là mong muốn của mình, vẫn chưa phải là mong muốn của người dân.
Hạ tầng đô thị Hà Nội đang có nhiều chuyển biến tích cực |
Nếu nhìn trục Láng-Hoà Lạc, nhà nước đầu tư 6 năm rồi mà nay mới thấy bắt đầu có một số khu đô thị ở đó đưa vào hoạt động, tức là mình mong muốn nhưng bao giờ cũng có thời gian trễ.
Thành phố đang tập trung dành vốn phát triển thêm các vành đai, hoàn thiện vành đai 1, 2, 2,5 và vành đai 3... tiếp tục vành đai 3,5 rồi vành đai 4 và vành đai 5, đồng thời hoàn thiện các trục xuyên tâm, mở thêm đấu nối xuyên tâm.
Thay vì ô bàn cờ con trong trung tâm 12 quận quy hoạch sẽ đẩy ra những ô bàn cờ lớn hơn, tức là thêm trục Hồ Tây, Ba Vì, trục quốc lộ 6 mở rộng kéo dài và rất nhiều kết nối từ vành đai đến các trục... tạo ra những lô bàn cờ và những kết nối năng động, linh hoạt hơn cho hệ thống giao thông, đi kèm với đó, thành phố sẽ đẩy phát triển các khu đô thị ra ngoài thay vì phát triển vào trong.
Tuy nhiên, việc đẩy ra ngoài khu trung tâm sẽ mất 5-7 năm thì những khu đó mới phát triển và ưu tiên là phải đầu tư đồng bộ các thiết chế xã hội và văn hoá. Người ta quan tâm con cái họ đến đó có trường học không, họ có chỗ đi chợ không hay phải vào trung tâm mới mua được đồ ăn... tất cả những cái đó liên quan đến thị trường, chứ không phải dễ người ta mang trung tâm thương mại ra đó.
Hà Nội muốn phát triển ra Ba Vì... nhưng không phải dễ, thành phố phải đi thuyết phục các doanh nghiệp như VinGroup đồng ý làm một Trung tâm thương mại ở Ba Vì mặc dù quy mô thương mại chưa đến mức họ phải đầu tư ở đó, bởi nếu không làm như vậy thì không kéo dãn mật độ dân cư ra được.
Có thể có cả một khu đô thị, có trường học nhưng có khi chỉ thiếu chợ thôi là người dân không đến ở. Những việc đó lãnh đạo thành phố biết đang là sức ép rất lớn nên phải tiếp tục đẩy, còn trong nội đô phải tiếp tục đầu tư các kết nối, các đường trên cao, đặc biệt là các tuyến tàu điện ngầm.
Hà Nội có 8 tuyến đường trên cao, nhưng vẫn chưa đủ cho đô thị 10 triệu dân, chúng ta phải tiếp tục quy hoạch đấu nối, vậy vốn ở đâu ra? Hà Nội hết sức tích cực kêu gọi nguồn vốn xã hội, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng đối với tàu điện ngầm thì chưa thành công, chưa có nhà đầu tư tư nhân quan tâm đến tàu điện ngầm, mà nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề tàu điện ngầm thì hết sức khó khăn cho giao thông trong những năm tới.
Sức ép về xe cộ, dân số... vẫn cứ ép lên chúng ta với tốc độ như vậy nếu chúng ta không đẩy sức ép đầu tư hệ thống ngầm, hệ thống kết nối giao thông ra ngoài vùng ven, tăng cường phát triển đô thị vệ tinh.
Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh hiện đã quy hoạch xong 4 đô thị, còn Hoà Lạc tới đây Thủ tướng phê duyệt, nhưng bây giờ phải kêu gọi các nhà đầu tư vào lập quy hoạch và phát triển các khu đô thị vệ tinh đó, nếu phát triển được và kết nối được thì sẽ tạo ra khả năng lan toả phân bố dân cư ra ngoài và như vậy nguồn vớn rất lớn, cần có thời gian, do độ trễ lớn nên phải tích cực đẩy.
- Hà Nội dường như đang tập trung nguồn lực phát triển ô tô xe máy mà chưa quan tâm đúng mức đến giao thông phi cơ giới như đi bộ, xe đạp?
Bí thư Hoàng Trung Hải: Không phải thành phố ưu tiên, mà việc phát triển là theo hướng tự phát theo nhu cầu mua ôtô, xe máy và hạ tầng mình cũng phải chạy theo sự phát triển đó.
Trước những yêu cầu đó, thành phố phải làm thế nào để phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng thuận lợi để người dân sẵn sàng và thấy được việc khi mua cái xe này nhưng không thuận lợi bằng phương tiện công cộng, để làm được như vậy từ nay đến năm 2020, Thành phố phải tăng thêm khoảng gần gấp đôi lượng tuyến xe buýt.
Hiện nay, độ bao phủ của xe buýt công cộng đối với các khu dân cư tại 12 quận nội thành chỉ được 71%, chưa nói là rất nhiều tuyến không liền nên không thuận tiện cho người dân chuyển tuyến, các tuyến xe buýt đấu nối với 18 quận huyện cũng vẫn còn thiếu.
Thứ hai là các tuyến đấu kết nối chưa thuận tiện, từ xe buýt hay tàu điện xong rồi thì người dân đi đâu, nên phải thiết kế tích hợp phương tiện công cộng sao cho phù hợp, làm sao mỗi người dân chuyển từ phương tiện này sang phương tiện kia chỉ từ 500 mét đến 1 kilômét, nếu xa quá thì không thuận tiện và nói giời người dân cũng không đi. Nên phải thiết kế 8 tuyến tàu điện ngầm, ga... và tích hợp như vậy.
- Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm gần như quá tải, nhu cầu của người dân rất lớn, Thành phố có chiến lược phát triển như thế nào, thưa Bí thư?
Bí thư Hoàng Trung Hải: Đúng là khi mở các phố đi bộ mới thấy nhu cầu của người dân rất lớn, thiếu những không gian cho người dân đến nghỉ ngơi, thưởng thức, dùng thời gian ngày nghỉ... nhưng đồng thời mở không gian đi bộ ra mới thấy sức ép giao thông như trên, nhưng mình không giải quyết về giao thông thì đi giải quyết những vấn đề nhỏ trước mắt cũng không giải quyết được.
Phố đi bộ quanh Hồ Gươm thu hút lượng dân rất lớn về vui chơi |
Nếu xe máy và ôtô vẫn cứ tăng mà tàu điện ngầm không có, giãn dân không nổi thì nói chuyện vỉa hè, không gian đi bộ hay không gian đi xe đạp vẫn chỉ là nói chơi thôi. Trong thời gian tới phải giải quyết đồng bộ, nhưng cũng đau đầu về vốn.
Về phương tiện, theo đề án quản lý phương tiện cá nhân, chúng ta biết tốc độ tăng về vận tải, về dân số cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng hạ tầng, nên đến một thời điểm nào đó phải hạn chế phương tiện cá nhân và đồng thời phải tăng tốc đầu tư phương tiện công cộng.
Đề án của Thành phố lấy ý kiến toàn dân và nhận được nhiều ý kiến đa chiều, nhưng chúng ta phải hiểu đến một lúc nào đó phải hạn chế, xe biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ, phải cấm xe máy, nhiều quốc gia đã áp dụng phương án đó, nhưng người ta có nguồn vốn, có năng lực tài chính hơn chúng ta.
Kế hoạch đầu tư 8 tuyến tàu điện ngầm rất khó khăn, Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng họ không mặn mà. Giả sử trong kết hoạch chúng ta có thể phát triển các tuyến tàu điện ngầm đến năm 2030 và chúng ta có thể công bố cho người dân biết là đến năm 2030, nội đô sẽ không lưu thông xe máy.
Như vậy người dân có thời gian chuẩn bị, cả thành phố cũng có thời gian chuẩn bị để nâng vận tải công cộng lên, không đăng ký các xe trong quận nội thành nữa để đỡ phí phạm tài sản chung của xã hội, để người dân biết chuyển sang ô tô hoặc xe buýt, không đầu tư tiếp xe máy, và những xe máy hiện đang có thì vẫn sử dụng cho đến thời điểm đó, đấy là đề án chúng tôi tiếp tục hoàn thiện và xin ý kiến Hội đồng nhân dân thành phố trong thời gian tới.