Cụ thể, ông Adrian Puren - giám đốc điều hành Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nam Phi (NICD), nhận định biến thể Omicron có thể đánh bại "người anh em" Delta để trở thành biến thể chủ đạo trên toàn cầu, ít nhất là về khả năng lây nhiễm.
Các bác sĩ tại Nam Phi cho biết các ca mắc biến thể Omicron hiện chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, bao gồm ho khan, sốt và đổ mồ hôi ban đêm.
Ông Puren cho biết còn quá sớm để nói liệu Omicron có "lật đổ'' biến thể Delta ở Nam Phi hay không, nhưng thực tế là các ca bệnh bắt đầu gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ở tỉnh Gauteng đông dân nhất cả nước.
Biến thể Delta đã thúc đẩy làn sóng lây nhiễm thứ ba tại Nam Phi, với đỉnh điểm là hơn 26.000 ca mỗi ngày vào đầu tháng 7. Omicron dự kiến sẽ kích hoạt làn sóng thứ tư, với trung bình 10.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Bà Anne von Gottberg, nhà vi sinh vật học lâm sàng tại NICD, cho biết tình hình dịch bệnh tại Nam Phi đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
"Có vẻ như trên thực tế, một số ca nhập viện có thể đã bắt đầu trước khi biến thể Omicron xuất hiện. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng đã có sự gia tăng các trường hợp cúm chỉ trong tháng trước, vì vậy chúng tôi cần xem xét dữ liệu cẩn thận bởi chưa thể kết luận tình trạng này có liên quan tới biến thể Omicron", bà von Gottberg chỉ ra.
Nam Phi đã được ca ngợi vì nhanh chóng cảnh báo cộng đồng khoa học toàn cầu và WHO về Omicro, bất chấp thiệt hại mà các hạn chế đi lại áp đặt bởi nhiều quốc gia sẽ gây ra cho lĩnh vực du lịch của nước này.
Quốc gia phía nam châu Phi này đã ghi nhận gần 3 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 89.000 ca tử vong, nhiều nhất ở lục địa châu Phi.