Các cuộc biểu tình tại Hong Kong lần đầu tiên được châm ngòi vào tháng 6, khi người dân thành phố đổ ra đường phản đối dự luật dẫn độ, sau đó lan dần ra thành phong trào phản đối chính quyền đặc khu.
Các cảnh sát Hong Kong bảo vệ việc sử dụng vũ lực của họ nhằm đáp trả các hành vi tội phạm và bạo lực, cũng như từ chối yêu cầu điều tra độc lập về việc xử lý tình huống của họ và cho biết một tổ chức hiện có tên là Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập được giao nhiệm vụ thực hiện công việc đó.
Lực lượng an ninh Hong Kong cũng tranh cãi về luận điểm của các quan chức hàng đầu của thành phố rằng Hong Kong đang mất kiểm soát, mặc dù họ thừa nhận cảnh sát đang mệt mỏi về mặt cảm xúc và thể chất sau nhiều tháng đối đầu với làn sóng biểu tình.
Các sĩ quan khẳng định lực lượng cảnh sát Hong Kong, với khoảng 30.000 cảnh sát mặc đồng phục, đang kiểm soát tình hình rất tốt.
"Chúng tôi không được huy động đầy đủ", một sĩ quan cao cấp nói, lập luận rằng chỉ một phần nhỏ lực lượng an ninh được triển khai để đối phó với các cuộc biểu tình nổ ra từng ngày. "Chúng tôi vẫn có nguồn lực để triển khai tiếp".
Cảnh sát có mặt tại sân bay Hong Kong để đảm bảo trật tự. Ảnh: CNN |
Các lập luận của cảnh sát Hong Kong trái ngược với phát ngôn của đặc khu trưởng Carrie Lam. "Hong Kong không an toàn hoặc ổn định. Những kẻ bạo loạn đã đẩy Hong Kong đến mức không thể quay đầu", người đứng đầu chính quyền thành phố trả lời báo chí.
Một số ít người biểu tình đã xin lỗi sau khi bạo lực bùng phát tại sân bay Hong Kong, khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ. "Chúng tôi không thể tránh được. Điều đó là không thể tránh khỏi bởi vì chúng tôi chiến đấu cho mục tiêu cuối cùng là tự do của mình", một người biểu tình nói.
Trước diễn biến bất ổn tại Hong Kong, chính phủ trung ương Bắc Kinh đã có những động thái răn đe bằng cách tổ chức các cuộc diễn tập chống khủng bố và điều động lực lượng tới thành phố Thâm Quyến.
Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy lực lượng an ninh Trung Quốc sẽ tiến vào lãnh thổ Hong Kong. Theo Luật Cơ bản của Hong Kong, chính quyền đặc khu được phép yêu cầu trợ giúp từ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), vốn có 6000 binh sĩ đồn trú tại Hong Kong.
Các sĩ quan cảnh sát Hong Kong cho biết rằng họ chưa bao giờ được đào tạo bên cạnh các lực lượng an ninh từ đại lục. Họ cũng cho biết cảnh sát Hong Kong thậm chí chưa bao giờ chuẩn bị cho một kịch bản sẽ bao gồm việc triển khai cảnh sát đại lục.
Thay vào đó, cảnh sát Hong Kong cho rằng họ có một loạt các chiến thuật theo ý đồ để đối phó với "những kẻ bạo loạn".
Ngoài việc sử dụng hơi cay tự do, cảnh sát đã tăng cường 3 xe đặc chủng kiểm soát bạo loạn do Pháp sản xuất được trang bị vòi rồng vào năm ngoái, tuy nhiên hiện vẫn chưa được triển khai trên thực địa.
Các sĩ quan cảnh sát cấp cao cũng cho biết họ đã thành công trong việc bắt giữ một số người cầm đầu kích động các hành vi bạo lực, bằng cách sử dụng lực lượng cảnh sát ngầm.
Những cảnh sát đặc biệt này sử dụng các chiến thuật tương tự để thâm nhập vào những tổ chức buôn lậu ma túy và các băng đảng tội phạm.
Sự xuất hiện của cảnh sát được ngụy trang thành người biểu tình đã gây ra sự phẫn nộ và hoang mang đối với những người biểu tình. Hôm thứ Ba, những người biểu tình đã bắt giữ và hành hung một du khách tại sân bay do nghi ngờ người này là cảnh sát ngầm.
Trong khi bày tỏ sự tự tin về cách xử lý tình huống của họ, các chỉ huy cảnh sát thừa nhận rằng các cuộc đối đầu đã ngày càng trở nên dữ dội.
Họ nói rằng khoảng 1/3 trong tổng số khoảng 700 người bị bắt giữ là học sinh và sinh viên, thậm chí có một thiếu niên mới chỉ 13 tuổi.
"Người dân Hong Kong đang ở trong một thời điểm rất nguy hiểm, một số sự việc có thể trông thật điên rồ nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác", Max, một người biểu tình 35 tuổi, cho biết tại sân bay. "Nó giống như chiến tranh, chúng tôi đang chiến đấu cho tương lai của mình".
Một thanh niên lý giải cho hoạt động biểu tình tại sân bay. Ảnh: CNN |
Người biểu tình trong hơn một tháng qua đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về các cáo buộc lạm dụng bạo lực của cảnh sát, loại bỏ thuật ngữ "bạo loạn" khỏi tình trạng bất ổn và phóng thích tất cả những người biểu tình bị giam giữ.
"Những người trang bị sẵn gạch đá tại các cuộc biểu tình chính là những kẻ nổi loạn", một chỉ huy cảnh sát nói.
Các sĩ quan cảnh sát cấp cao cũng cho biết họ không có bằng chứng nào cho thấy các chính phủ nước ngoài tài trợ hoặc truyền cảm hứng cho phong trào biểu tình. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục cáo buộc các chính phủ phương Tây đứng đằng sau tình trạng bất ổn.
Các chỉ huy cảnh sát đã thừa nhận danh tiếng của cảnh sát Hong Kong - từng có biệt danh là "Tốt nhất châu Á", đã bị hủy hoại.
Tỷ lệ từ chức của cảnh sát đã tăng nhẹ trong 2 tháng qua. Trong khi đó, các cuộc đụng độ liên tiếp với người dân đã ảnh hưởng tới sự nghiệp của nhiều cảnh sát.
Đặc biệt, các chỉ huy cảnh sát nhấn mạnh người biểu tình đã công bố thông tin cá nhân của nhiều viên cảnh sát.
"Các sĩ quan đang vừa phải chiến đấu bên ngoài. Nhưng đồng thời họ phải lo lắng về sự an toàn của gia đình mình", theo một sĩ quan cấp cao.
Cảnh sát chống bạo động bắt giữ một người biểu tình quá khích. Ảnh: CNN |
Ông cáo buộc những người biểu tình sử dụng thông tin cá nhân của các sĩ quan để vay ngân hàng, bên cạnh việc quấy rối vợ chồng và con cái của họ.
Một sĩ quan khác nói rằng một người dân đã đụng độ với cô con gái của mình tại một sự kiện thể thao và gọi công việc của cha cô bé là "kinh tởm".
"Đó là lần đầu tiên tôi suýt bật khóc còn vợ tôi đã rơi nước mắt", viên cảnh sát nói.
Nhiệm vụ của cảnh sát Hong Kong là duy trì luật pháp và trật tự, nhưng các sĩ quan cho biết họ không rõ khi nào tình trạng bất ổn trên đường phố sẽ chấm dứt.
"Đây là một vấn đề chính trị. Một vấn đề chính trị cần một giải pháp chính trị để giải quyết nó", một chỉ huy cảnh sát cấp cao nói.