Liên quan đến việc mở rộng điều tra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời trên báo Dân trí, hiện Bộ Công an đang trong quá trình điều tra xử lý đối với bài thi trắc nghiệm của Sơn La, Hòa Bình và Bộ Công an sẽ xem xét tiếp tục mở rộng điều tra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, dự kiến ở nhiều tỉnh trên cả nước.
Theo đó, vào sáng 29/10, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết: “Hiện Bộ đang điều tra sai phạm thi cử xảy ra ở 3 tỉnh (Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình) và chưa có kết luận. Các tỉnh thành khác đang thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục – Đào tạo và các cơ quan kiểm tra chứ công an chưa kiểm tra vì chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Theo nguồn tin đăng tải trên báo Thanh niên, trước đó, trong buổi giải trình trước Quốc hội về lĩnh vực giáo dục – đào tạo chiều 26/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, liên quan tới tiêu cực thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua, tới nay cơ quan chức năng đã phát hiện, chính thức khởi tố 11 người theo đúng pháp luật; 151 học sinh bị xử lý theo quy chế.
“Tới đây sẽ làm tiếp trên tinh thần sai là sửa”, ông Nhạ nói và khẳng định với tư cách là bộ trưởng, ông kiên quyết chống tiêu cực.
Trao đổi với báo Lao động, ông Nhạ cũng thừa nhận “vấn đề độ trung thực thì kỳ thi nào cũng có, năm nào cũng vi phạm, cũng có vấn đề”.
Ông Nhạ khẳng định trong kỳ thi 2 trong 1, Bộ GD-ĐT nhận định công tác tối quan trọng là khâu làm đề thi, bảo mật, tổ chức chấm thi, thanh tra. Tất cả các khâu này đều phải thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt.
“Hiện bộ đã tổ chức rà soát quy trình thi và chấm thi. Qua đó cho thấy quy trình thì đầy đủ nhưng các khâu sau thì có những việc ngoài dự tính. Phần mềm công nghệ mã hóa code đề thi có sơ hở để có kẻ xấu lợi dụng khai thác”, ông Nhạ nói.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã gây chấn động với một loạt vụ gian lận xảy ra ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. |
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã gây chấn động với một loạt vụ gian lận xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. 330 bài thi của 114 thí sinh ở Hà Giang sửa từ 1 – 8 điểm. Đặc biệt, nếu như Hà Giang có thể khôi phục điểm thi gốc thì tại Hòa Bình, Sơn La, gian lận tinh vi khiến việc khôi phục điểm thi gốc gặp khó khăn.
Theo đó, số cán bộ giáo dục, nhà giáo đã bị xử lý kỷ luật, bắt giam là 11, trong đó Hà Giang 2; Sơn La 6; Hòa Bình 3; Số học sinh đã bị xử lý là 151, trong đó Hà Giang 114; Sơn La 29: Lạng Sơn 8.
Báo Tiền phong đưa tin, những sai phạm liên quan đến gian lận thi cử trên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có một số nguyên nhân. Trong đó, phần mềm chấm thi trắc nghiệm tuy đã được Bộ GD&ĐT hoàn thiện một bước, cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước.
Bên cạnh đó, công tác giám sát của Bộ GD&ĐT ở một số khâu tổ chức thi tại địa phương chưa thật sự sâu sát, hiệu quả chưa cao.
Tổng hợp