Phát biểu trước Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 29/10, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các sự nghiệp công lập.
Trong 3 năm qua, việc thực hiện thí điểm giao quyền tự chủ cho 23 trường đại học (ĐH) đã đạt được những thành quả nhất định. Ngân sách của Nhà nước đã tiết kiệm được cho chi thường xuyên. Các trường ĐH đã tăng cường được nguồn lực đầu tư để làm tốt các hoạt động chuyên môn.
Vì vậy, Chính phủ cần đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, kèm theo đó là sự thay đổi việc cấp ngân sách như hiện nay sang phương thức đặt hàng. Điều này có nghĩa là việc trao quyền tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư ngân sách.
Đặc biệt, Thủ tướng đã có chủ trương cho xây dựng đề án giao quyền tự chủ ở mức cao, không có Bộ chủ quản cho 3 trường ĐH. Đó là trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP HCM và trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Việc này Bộ GD-ĐT đã có sự chỉ đạo quyết liệt theo tinh thần của Thủ tướng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường rất mong nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành để những đề xuất, kiến nghị của những trường được thí điểm được đáp ứng nhằm xây dựng mô hình quản trị ĐH không có Bộ chủ quản như mô hình ở nhiều nước trên thế giới.
Đề cập về vấn đề đẩy mạnh tự chủ cho các trường ĐH, tại cuộc tọa đàm “Tự chủ đại học – Xu thế phát triển tất yếu” vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Phúc cho biết, hiện nay, vấn đề thay đổi mạnh mẽ nhất để chúng ta mở rộng quyền tự chủ cho các trường ĐH nằm trong những quy định liên quan đến chuyên môn học thuật và lần này là cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH.
Tuy nhiên, hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH không chỉ có những luật trực tiếp liên quan đến các cơ sở giáo dục ĐH mà còn là đối tượng điều chỉnh bởi các quy định pháp luật khác. Ví dụ như, hiện nay các cơ sở công lập được điều chỉnh bởi Luật Viên chức, Luật Công chức hay là những quy định về tài chính, quản lý tài sản trong các trường ĐH công lập đang bị chi phối bởi Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản, Luật Tài chính công… Tất cả những nội dung đó có những điểm phù hợp trong xu thế tự chủ ĐH. Tuy nhiên, có những quy định hiện nay chưa phù hợp.
Sắp tới khi chúng ta sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH thì một bước kế tiếp là phải làm sao để tạo ra hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ nhằm thúc đẩy các trường ĐH đẩy mạnh tự chủ cũng như nâng cao chất lượng đào tạo.
Tiếp nữa là bản thân các cơ sở giáo dục ĐH phải chủ động trong chuẩn bị và việc năng lực tự chủ, năng lực quản trị phải được nâng lên một bước đáng kể. Có rất nhiều việc mà các cơ sở giáo dục ĐH phải tự mình làm và tự chịu trách nhiệm. Bản thân các trường phải có năng lực quản trị tốt để hội nhập được với khu vực và thế giới. Vì vậy, cần có thời gian để các cơ sở giáo dục ĐH chuẩn bị về năng lực, đội ngũ. Hy vọng sau khi Luật Giáo dục ĐH được thông qua thì những vướng mắc của các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được tháo gỡ.
Bộ GD-ĐT đã chủ động yêu cầu 3 trường: Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP HCM và trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản Bộ GD-ĐT.
Đây là 3 trường ĐH đã được thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Theo Nghị quyết 77, các trường đổi mới hoạt động về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí; đầu tư, mua sắm; cơ chế giám sát.
Để đẩy mạnh tự chủ ĐH và giúp các trường phát huy tối đa quyền tự chủ để phát triển, Bộ GD-ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Nghị định về tự chủ ĐH thay thế cho Nghị quyết số 77. Đồng thời chính thức thí điểm 3 trường trực thuộc Bộ bỏ bộ chủ quản.