Chiều 4/7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, những tranh cãi liên quan đến nghi vấn Asanzo dùng hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam lại được báo chí chất vấn.
Trả lời về vụ việc liên quan đến Asanzo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính là đầu mối phối hợp với các bộ ngành khác trong đó có Bộ Công Thương để kiểm tra, xử lý và báo cáo chính phủ.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp tích cực với Bộ Tài Chính để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông chủ Asanzo - Phạm Văn Tam. |
Sau sự việc Công ty CP Tập đoàn Asanzo bị tố nhập khẩu linh kiện Trung Quốc và lắp ráp, dán nhãn “made in Vietnam”, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ ngành liên quan để xây dựng bộ quy chế quy định về việc xuất nhập khẩu hàng hoá. Theo đó, quy định này sẽ làm rõ thế nào là hàng hoá sản xuất ở Việt Nam.
Phân tích về sự việc của Asanzo, tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu viện dẫn Nghị định 43 do Chính phủ ban hành năm 2017 về xuất xứ hàng hoá. Nghị định này nêu quy định về nhãn hàng hoá, trong đó, một yêu cầu bắt buộc là các sản phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường Việt Nam hay xuất khẩu đều phải dán nhãn.
Theo đó, trên nhãn mác phải có những thông tin bắt buộc như tên nhà sản xuất, tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm lưu thông hàng hoá, xuất xứ hàng hoá… Điều 15 của nghị định 43 quy định các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện lưu thông hàng hoá có trách nhiệm tự xác định thông tin về hàng hoá đó.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh đến việc Việt Nam dù tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nhiều quy định về xuất xứ hàng hoá tại các hiệp định nhưng ở mỗi nơi lại có những điểm khác nhau. Tuy nhiên, quy định về xuất xứ hàng hoá mà Việt Nam thực hiện theo các cam kết quốc tế khi ký các hiệp định thương mại tự do là để phục vụ cho việc hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường xuất khẩu, chứ chưa gắn với việc xác định gắn nhãn hàng hoá đó tại Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. |
Ông Trần Thanh Hải lấy ví dụ trong thị trường ASEAN, điều kiện để cấp chứng nhận xuất xứ sản phẩm là 40% hàm lượng hàng hoá đó được sản xuất trong ASEAN. "Trong 40% hàng hóa, có thể 10% tại Thái Lan, 10% tại Indonesia, 5% Malaysia và chỉ có 5% tại Việt Nam. Như vậy, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ không nói lên tỉ lệ sản xuất ở Việt Nam mà tỉ lệ của cả khu vực”, ông Hải phân tích.
Để giải quyết tình trạng chưa có quy định rõ ràng về việc xác định xuất xứ, tỉ lệ như thế nào thì được gọi là hàng hoá Việt Nam, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cũng như trao đổi với các bộ ngành liên quan để xây dựng văn bản quy định cụ thể về hàng hoá thế nào được xem là hàng hoá sản xuất ở Việt Nam.