Phạm Văn Tam, sáng lập và TGÐ Cty Cổ phần điện tử Asanzo: “TV màn hình phẳng cũng như con cá mớ rau ngoài chợ”

(Ngày Nay) - Chỉ mới 3 tuổi trên thị trường nhưng doanh số 2016 của Asanzo trong năm 2016 dự kiến... 2.500 tỷ đồng, gấp đôi năm 2015.
Ông Phạm Văn Tam kiểm tra ti vi màn hình phẳng Asanzo trước khi xuất xưởng.
Ông Phạm Văn Tam kiểm tra ti vi màn hình phẳng Asanzo trước khi xuất xưởng.

Sinh năm 1980, đẹp trai, phong độ như người của giới showbiz; hòa nhã, dễ gần, điềm đạm như anh giáo; cần mẫn, siêng năng, trách nhiệm như một nhân viên giao hàng bất kể ngày mưa hay nắng..., đó là những cảm nhận ban đầu về Phạm Văn Tam, ông chủ của thương hiệu điện tử Asanzo - thương hiệu Việt Nam 100%. Chỉ mới 3 tuổi trên thị trường nhưng doanh số 2016 của Asanzo trong năm 2016 dự kiến... 2.500 tỷ đồng, gấp đôi năm 2015.

Cơn mưa chiều 26/9 ngập lênh láng khắp thành phố nhưng đã hẹn, Tam nhất định phải đến điểm hẹn ở quận 3  dù anh từ nhà máy ở tận Bình Tân. Tính Tam là thế, đã hẹn thì dù “trời sập” cũng phải đến. Ðó là đức tính và cũng là uy tín  của Tam từ  khi còn làm  phân phối hàng điện tử ở chợ Nhật Tảo. 

Trò chuyện với Tam, anh tâm sự rằng, nếu không có thương hiệu cá nhân thì rất khó mà xây dựng nên một thương hiệu sản phẩm. Anh kể khi còn làm phân phối hàng ở chợ Nhật Tảo, nhiều bạn hàng bảo “Ai chứ thằng Tam mà ra riêng, xây nhà máy thì tui sẵn sàng làm đại lý phân phối hàng cho nó”. 

Ðến khi Tam ra riêng, dựa vào kênh phân phối là những bạn hàng quen biết, anh đã thành công. Bên cạnh kênh phân phối hiện đại là siêu thị, hàng của anh có mặt ở khắp mọi nơi với hơn 2.000 đại lý “ruột”, 4.000 đại lý thứ cấp. “TV màn hình phẳng và các sản phẩm điện tử của Asanzo cũng như con cá, mớ rau ở chợ. Khách hàng bước ra đầu ngõ là có thể mua được”, Tam nói. Con cá mớ rau, không chỉ bởi dễ mua, gần gũi, thân thiện với người quê mà còn có ý nghĩa là rẻ, phù hợp với những gia đình thu nhập thấp. Hiện tại, 70% doanh số của Asanzo là TV giá rẻ.

Ðồ điện tử giá rẻ thì ai mà chẳng thích. Tuy nhiên, Asanzo là thương hiệu Việt nên nhiều người nghi ngại rằng “tiền nào của đó”?

Trước khi sáng lập Asanzo với việc xây dựng nhà máy 20 triệu USD vào năm 2013, tôi có hơn 10 năm phân phối linh kiện điện tử ở chợ Nhật Tảo. Nói thật, Việt Nam chưa và rất khó để có tên trên bản đồ ngành điện tử, điện tử gia dụng thế giới. 

Tôi không tham vọng ghi tên Asanzo vào bản đồ công nghệ điện tử thế giới, nhưng tôi tham vọng phải làm bằng được những sản phẩm điện tử phổ cập đến từng gia đình dân Việt bằng mức giá tốt nhất mà người dân chấp nhận. Tôi không nghiên cứu để làm ra chiếc ti vi mới khi thế giới đã có sẵn và đi trước chúng ta hàng mấy thế kỷ. 

Tôi mua công nghệ cao của họ, cái lõi của sản phẩm, tôi tổ chức sản xuất, tạo công ăn việc làm cho 500 công nhân từ các vùng quê nghèo VN đến, thay vì tôi chỉ cần bỏ tiền ra để nhập sẽ tiện hơn rất nhiều nhưng muốn công nghệ tốt, nhập 100% sẽ không có giá rẻ được. Tôi quan niệm thế này, khi dốc sức để làm một sản phẩm cho người Việt dùng, hãy nghĩ đến những điều tử tế trước. Tôi tự hào mình đã suy nghĩ và hướng đến những điều tử tế khi thẳng thắn nói rằng  Asanzo là hàng Việt bằng công nghệ Nhật.

Ðể có Asanzo công nghệ Nhật, không chỉ nói suông. Bằng chứng là người tiêu dùng Việt Nam đón nhận, doanh số tăng chóng mặt. Trong năm 2015, doanh số 1.200 tỷ nhưng trong 2016, dự kiến tăng gấp đôi. Tam kể: “Khi đang kinh doanh và phân phối các mặt hàng điện tử tại chợ Nhật Tảo, tôi phải nhập trực tiếp nhiều hàng điện tử từ Nhật. 

Chẳng hạn, mỗi container chỉ chứa khoảng 200 sản phẩm. Tuy nhiên, sang tận Nhật tìm hiểu, tôi thấy nhập linh kiện thôi sẽ giúp giảm giá thành rất nhiều bởi mỗi container linh kiện có thể chiếm lượng hàng gấp 10 lần so với nhập nguyên sản phẩm. Như vậy, nhập linh kiện và kết hợp sản xuất trong nước để có chiếc ti vi màn hình LED tốt bằng công nghệ Nhật mà giá thành giảm 30 - 40% là vậy”.

Tự công nhận Asanzo là sản phẩm của người thu nhập thấp nhưng xem ra, ông chủ Asanzo cũng không coi thường phân khúc người giàu. Bằng chứng là, Asanzo luôn đầu tư, cải tiến công nghệ, chuẩn bị cho ra đời TV màn hình cong hứa hẹn là gây bất ngờ thị trường. “Làm đồ điện tử mà không đổi mới, theo kịp với hiện đại là coi như tự bỏ rơi mình”, Tam nói.  Hiện tại, Asanzo đang tích cực triển khai xây dựng nhà máy 17.000m2 tại Củ Chi với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng.

Theo Tiền Phong
Google đối diện rắc rối pháp lý mới
Google đối diện rắc rối pháp lý mới
(Ngày Nay) -  Ngày 6/1, Google cho biết công ty con này của Alphabet đang phải đối mặt với khiếu nại thứ hai từ tổ chức đại diện quyền lợi cho người lao động Mỹ.
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
(Ngày Nay) - Điện ảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình quan trọng, khi sự cạnh tranh không chỉ dừng lại ở những tác phẩm nội địa mà còn đối diện với làn sóng mạnh mẽ từ các nền điện ảnh châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.