Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ pháp chế, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại.
Hiệp định EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia. Việc kết thúc đàm phán, ký kết và tiến tới phê chuẩn Hiệp định là một chặng đường dài với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các cấp, các ngành với mục tiêu nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Liên minh châu Âu lên một tầm cao mới nói riêng và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, việc Hiệp định được hai bên ký kết và được Nghị viện châu Âu phê chuẩn có vai trò rất lớn của Quốc hội Việt Nam với việc ban hành các văn bản pháp luật cũng như tiến hành các hoạt động ngoại giao cần thiết và kịp thời để xử lý những vấn đề mà EU quan tâm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng bộ hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Bộ hồ sơ này đã được các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra theo quy định của Luật Điều ước quốc tế. Vào ngày 20/5 vừa qua, Quốc hội cũng đã có phiên thảo luận trực tuyến về vấn đề này. Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định vào ngày 8/6 tới. Và như vậy, đối chiếu theo quy định của Hiệp định thì dự kiến Hiệp định có thể sẽ chính thức có hiệu lực trong tháng 8/2020.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, để tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại, trước hết phải hiểu, biết được hiệp định. Vì vậy, thông tin truyền thông báo chí rất quan trọng. Nếu báo chí nắm được rõ thì sẽ lan tỏa, định hướng cho dư luận.
Với việc thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua, đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, khi EVFTA có hiệu lực, đương nhiên mang lại thu nhập cho cả dân tộc, nền kinh tế, sau đó phân bổ lại. Đó là có nguồn thu, chi cho phúc lợi xã hội… hoặc xuất khẩu đi được mang lại việc làm cho người dân. Còn đối với lợi ích trước mắt, người dân có thể được hưởng lợi khi mua hàng hóa của EU với giá thấp hơn.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa Biên |
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên đã giới thiệu về Hiệp định EVFTA; ý nghĩa chiến lược, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng; cập nhật tình hình phê chuẩn và dự kiến thời điểm Hiệp định có hiệu lực; Kế hoạch thực hiện Hiệp định của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương. Để thực thi Hiệp định này một cách hiệu quả, theo ông Lương Hoàng Thái, có 4 nhiệm vụ chính cần phải thực hiện:
Thứ nhất là việc xây dựng các văn bản pháp luật. Vấn đề này ta đã có kinh nghiệm từ việc thự thi CPTPP trước đó.
Thứ hai là kế hoạch hành động ra sao? Bộ Công Thương trước đây đã bàn hành kế hoạch hành động riêng, tuy nhiên, đến thời điểm EVFTA có hiệu lực, Chính phủ sẽ ban hành một Chương trình hành động lớn hơn, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ ngành, địa phương. Dự thảo về Chương trình hành động này cũng đã được gửi kèm với bộ hồ sơ EVFTA trình Quốc hội.
Thứ ba, để thực hiện FTA này thực sự có hiệu quả, điều quan trọng là hỗ trợ các doanh nghiệp bởi phần lớn doanh nghiệp của chúng ta là vừa và nhỏ. Theo đó, ngày 5/6 tới, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tổ chức Hội nghị trực tuyến hỗ trợ các DNVVN tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả EVFTA.
Thứ tư là hoạt động phổ biến tuyên truyền. Về vấn đề này, Bộ Công Thương sẽ đổi mới phương thức tiếp cận thông tin, trước mắt là tổ chức khóa tập huấn trực tuyến để phủ sóng thông tin và mang tính lan tỏa cao. Hiện đã có gần 3000 đơn đăng ký tham gia khóa tập huấn này.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã giải đáp thắc mắc của phóng viên liên quan đến các vấn đề về pháp chế, ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa, lợi ích trước mắt và lâu dài mà người dân có thể được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA.