Cuộc sống vốn không dễ dàng. Vì muốn dạy cho con trai bài học quý giá này, một người cha đã quyết định làm một việc liều lĩnh.
Tháng trước, khi người vợ về quê, anh Trương, tài xế xe tải 39 tuổi đã cùng con trai 4 tuổi thực hiện hành trình từ thành phố Bộc Dương, Hà Nam đến Bắc Kinh trên đôi giày trượt patin.
Cậu con trai 4 tuổi thích thú với chuyến hành trình 540 km bằng giày vượt patin.
Hàng ngày, hai cha con bắt đầu từ 8 giờ sáng, trượt patin ven đường quốc lộ 106. Cứ sau 1 tiếng, họ lại nghỉ ngơi, ăn uống và tìm chỗ nghỉ trước khi trời tối.
Mỗi khi đến một thị trấn mới, anh Trương sẽ chụp ảnh con trai bên cạnh các biển báo giao thông. Khi đến Bắc Kinh, anh đã chụp được hơn 600 tấm ảnh và tất cả đều được đăng tải lên Weibo.
Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trên cuộc hành trình, anh Trương nói rằng điều tồi tệ nhất là trời gió và mặt đường gồ ghề.
Anh chia sẻ: "Mặc dù con trai tôi đã khóc nhiều lần, nhưng thằng bé không bao giờ bỏ cuộc. Mục đích của cuộc hành trình chính là dạy thằng bé đức tính kiên trì. Cuộc sống cũng giống như đi bộ trên một con đường, có lúc bằng phẳng nhưng cũng có lúc gập ghềnh. Tôi hy vọng rằng trải nghiệm này sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho con trai tôi khi nó lớn lên."
Anh Dương và con trai.
Sau 14 ngày, hai cha con đã đến Bắc Kinh hôm 4/4. Anh Trương quyết định dẫn con trai đi thăm rất nhiều địa danh ở Bắc Kinh như một phần thưởng cho cậu bé. Sau đó, hai cha con đi tàu hỏa về nhà thay vì trượt patin. Tổng chi phí cuộc hành trình là 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu đồng).
Sau khi câu chuyện về hai cha con được đăng tải, có nhiều cư dân mạng cho rằng anh là một tên điên, trong khi một số người khác thì rất ủng hộ ý tưởng này của anh.
Một người dùng mạng Weibo bình luận: "Trẻ em ngày nay đang hư hỏng nhiều. Tôi đồng ý với cách ông bố này dạy con trai. Trải qua những khó khăn khi còn trẻ sẽ giúp chúng trở thành một người đàn ông mạnh mẽ trong tương lai.”
Một ý kiến khác cho rằng: "Trượt patin trên đường cao tốc quá nguy hiểm. Tôi đồng ý với quan điểm dạy con của anh, nhưng đó không phải là cách dạy phù hợp.”
Thùy Dương