Bộ Giáo dục - Đào tạo vẫn quy định xếp loại tốt nghiệp trên bằng đại học

(Ngày Nay) - Xếp loại tốt nghiệp vẫn là một trong 10 tiêu đề trong nội dung chính ghi trên bằng giáo dục đại học.
Bộ Giáo dục - Đào tạo vẫn quy định xếp loại tốt nghiệp trên bằng đại học
Bộ Giáo dục - Đào tạo vẫn quy định xếp loại tốt nghiệp trên bằng đại học

Báo Thanh Niên đưa tin, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành thông tư quy định nội dung chính trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục ĐH. Thông tư này quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục ĐH gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và các văn bằng trình độ tương tương.

Trong đó, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH gồm 10 tiêu đề, bao gồm hạng tốt nghiệp (nếu có).

Đây là điểm mới so với thông tin trong dự thảo lần 1 Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến góp ý cho Thông tư Ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng tốt nghiệp ĐH trước đó. Theo dự thảo này, văn bằng giáo dục ĐH không bắt buộc có nội dung về xếp loại tốt nghiệp. Trong khi đó, theo quy định hiện hành áp dụng Thông tư số 19/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành mẫu bằng tốt nghiệp ĐH, người tốt nghiệp sẽ được phân biệt về xếp loại bằng tốt nghiệp theo các mức gồm: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình.

Như vậy, thông tư chính thức vẫn giữ nội dung hạng tốt nghiệp trên văn bằng giáo dục ĐH (nếu có). 

Thêm một điểm khác so với dự thảo trước đó là tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo có bổ sung văn bằng trình độ tương đương (bên cạnh bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ).

Nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH với 10 tiêu đề:

1 - CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

2 - Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, văn bằng trình độ tương đương)

3 - Ngành đào tạo

4 - Tên cơ sở cấp văn bằng

5 - Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng

6 - Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng

7 - Hạng tốt nghiệp (nếu có)

8 - Địa danh, ngày tháng cấp văn bằng

9 - Chức danh, chữ ký, họ, tên đệm của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định

10 - Số hiệu, số vào sổ cấp văn bằng

Nội dung chính ghi trên phụ lục văn bằng gồm:

- Thông tin về người được cấp văn bằng: họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh.

- Thông tin về văn bằng: tên cơ sở giáo dục ĐH cấp bằng, chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, hình thức đào tạo.

- Thông tin về nội dung, kết quả học tập (nếu có); tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học; điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy, điểm trung bình, tên và kết quả luận văn, luận án, điểm xếp hạng tốt nghiệp.

Trường hợp văn bằng được cấp khi các tín chỉ tích lũy ở những cơ sở đào tạo khác nhau, cần ghi rõ tên môn học, số tín chỉ của từng môn học được công nhận để xét tốt nghiệp và tên cơ sở đào tạo.

Thông tin kết nối với văn bằng, mã số sinh viên, học viên, nghiên cứu viên, số hiệu văn bằng.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đồng ý cho các cơ sở giáo dục ĐH được bổ sung các nội dung khác ghi trên văn bằng giáo dục ĐH phù hợp với quy định của pháp luật.

Cơ sở giáo dục ĐH tự thiết kế mẫu và được bổ sung các nội dung khác ghi trên phụ lục văn bằng giáo dục ĐH phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngôn ngữ ghi trên phụ lục văn bằng thực hiện như ghi trên văn bằng, thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/3 tới.

Trước đó, bộ GD-ĐT từng dự kiến trên bằng tốt nghiệp ĐH sẽ không còn thông tin liên quan đến xếp loại học lực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này sẽ khiến khó kiểm soát chất lượng đào tạo.

Chia sẻ trên báo Phụ Nữ Thủ Đô, Đỗ Văn Dũng, trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng thẳng thắn bày tỏ lo ngại vì chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam còn “nhiều vấn đề”. Theo dự thảo Thông tư, bộ GD-ĐT đã bỏ phân loại học lực thì có thể tạo kẽ hở để một số người chọn học phí chính quy, cũng không cần nỗ lực trong quá trình học vì cuối cùng vẫn có bằng như sinh viên học chính quy nghiêm túc, có năng lực học tốt.

Theo ông Dũng, sở dĩ nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến không ghi các thông tin trên văn bằng do họ có thể quản lý chặt đầu ra, cử nhân ra trường được xã hội tin tưởng về chất lượng mà không cần băn khoăn sinh viên đó học hệ gì, xếp loại gì. Còn Việt Nam, chất lượng đào tạo ở đại học hiện chưa làm được như các quốc gia trên.

TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.