Bộ nhận diện SEA Games 31 mắc nhiều sai sót nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chưa đầy hai tháng trước khi SEA Games 31 chính thức khởi tranh, dư luận đã “dậy sóng” trước thông tin Bộ nhận diện của Đại hội thể thao Đông Nam Á bị tố mắc nhiều lỗi sai sót nghiêm trọng.
Bộ nhận diện SEA Games 31 mắc nhiều sai sót nghiêm trọng

Ngày 20/3, nhiều người dùng mạng xã hội Facebook đã chia sẻ một bài viết của tài khoản N.T.L. - một họa sĩ kỹ thuật số, trong đó chỉ ra 3 sai sót chính của Bộ nhận diện SEA Games 31 bao gồm lỗi phông chữ, lỗi phối màu và đặc biệt là lỗi chính tả (tiếng Anh).

Cụ thể, ở phần bìa Bộ nhận diện, phông chữ của cụm từ “st” trong biểu trưng lại không cùng một hệ phông chữ, theo đánh giá của những người làm nghề thiết kế, đây là một lỗi cơ bản, không được phép sai.

“Trong ngành thiết kế có một quy tắc sơ đẳng đó là khi soạn ra một đoạn chữ thì không bao giờ được phép co dãn dòng chữ đó, đây là một lỗi sai khó chấp nhận được”, Đặng Minh Hoàng – một người thiết kế đồ họa chuyên nghiệp, nhận xét.

Bộ nhận diện SEA Games 31 mắc nhiều sai sót nghiêm trọng ảnh 1

Phông chữ thiếu đồng nhất là một trong nhiều lỗi mà Bộ nhận diện SEA Games 31 mắc phải.

Bộ nhận diện SEA Games 31 mắc nhiều sai sót nghiêm trọng ảnh 2

Giấy chứng nhận của Ban tổ chức mắc lỗi chính tả "Certififate" (Certificate - Chứng nhận) và "Recoginition" (Recognition - công nhận).

Bộ nhận diện SEA Games 31 mắc nhiều sai sót nghiêm trọng ảnh 3

Tấm màn dành cho môn Bóng đá Nam mắc lỗi chính tả "Football Men" (Men's Football - Bóng đá Nam).

Bộ nhận diện SEA Games 31 mắc nhiều sai sót nghiêm trọng ảnh 4

Thẻ đeo của Ban tổ chức mắc lỗi chính tả "Venus" (Venue - Nhà thi đấu) và "Oganizing Commite" (Organizing Committee - Ban tổ chức). Ngoài ra, việc để phông chữ cùng màu với màu nền là một lỗi sai khi phối màu.

Ngoài những lỗi chính tả và lỗi đặt chữ ở những vị trí không thể nhìn rõ thông tin, một thiếu sót khác của Bộ nhận diện đó là cách phối màu sắc. Theo họa sĩ Trần Việt Anh – người có kinh nghiệm thiết kế lâu năm, trong tổng thể một tác phẩm chỉ cần một màu chính và một số màu phụ, nhưng cách phối màu của Bộ nhận diện SEA Games 31 lại rất không rõ ràng vì các màu được phân bố không theo bố cục chung.

“Về mặt nguyên tắc, khi thiết kế người ta sẽ phải lấy một tín hiệu từ biểu tượng vui (mascot) hoặc biểu trưng (logo) để đưa vào bộ nhận diện nhằm tạo ra sự thống nhất. Có thể nói đây là một thiết kế ẩu bởi nó không rõ ràng về các không gian chính và phụ, thiếu sự đầu tư về chiều sâu”, ông Việt Anh cho biết.

Trả lời Tạp chí Ngày Nay, ông Nguyễn Thạch Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin TDTT, đồng thời là thành viên Tiểu ban Thông tin - Truyền thông SEA Games 31, cho biết các đơn vị liên quan sẽ "tính toán để khắc phục" các sai sót của Bộ nhận diện.

Được biết, Bộ nhận diện của SEA Games 31 trước khi công bố đã được lấy ý kiến của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Thế nhưng sau khi được xét duyệt và đăng tải trên mạng, việc Bộ nhận diện vẫn còn xuất hiện những sai sót nghiêm trọng cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp và tận tâm của đội ngũ thiết kế và những cơ quan có thẩm quyền, nhất là khi đây là những hình ảnh đại diện cho quốc gia.

Đại hội SEA Games lần này được tổ chức trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trải qua nhiều lần điều chỉnh kinh phí tổ chức và vẫn chưa được giải ngân đầy đủ, cộng với việc phải lùi thời gian tổ chức từ tháng 11/2021 sang tháng 5/2022.

SEA Games 31 sẽ diễn ra từ ngày 12/5 đến 23/5 tại Hà Nội và 11 tỉnh thành lân cận với tổng cộng 40 môn thể thao. Đây là lần thứ hai Hà Nội đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á kể từ năm 2003. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 12/5 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.