Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Ngày càng xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử... Đặc biệt, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Thực tế cho thấy, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn “rác”, tin nhắn trúng thưởng, xin việc làm, xuất khẩu lao động, “chạy” dự án, vay vốn; kêu gọi đầu tư, tài trợ, đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền, làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý; lợi dụng hoạt động họ, hụi, biêu, phường... Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.
Trước tình hình đó, ngày 2/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán...; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến định giá tài sản, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, bảo đảm căn cứ để khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Triển khai thực hiện Chỉ thị này, ngày 12/10/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký Quyết định số 1588/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Kế hoạch nhằm góp phần tổ chức triển khai kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020; Xác định rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị liên quan, đảm bảo việc triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra trong Chỉ thị số 21/CT-TTg và có sự lồng ghép hiệu quả với việc thực hiện các nhiệm vụ chung của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai các giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, hải quan, kế toán, kiểm toán độc lập, giá, chứng khoán, bảo hiểm, hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, trật tự an toàn xã hội.
Để chủ động, tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 21/CT-TTg, Bộ Tài chính tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48 CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”.
Hai là, Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09 CT/TW của Ban Bí thư khoá XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.
Ba là, tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết số 96/2012/QH14 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và vị phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án.
Bốn là, tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chương trình, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong sở hữu tài sản.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Các nội dung tuyên truyền, phổ biến bao gồm: chính sách, pháp luật tài chính; pháp luật xử lý vi phạm hành chính; pháp luật hình sự.
Sáu là, tuyên truyền, thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính mang tính điển hình để tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật tài chính, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản.
Bảy là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án Phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyên giá, trốn thuế của các doanh nghiệp đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 2497/QĐ-BTC ngày 04/12/2017. Các đơn vị thuộc Bộ, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính gương mẫu nêu cao cảnh giác, chấp hành pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tám là, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật chuyên ngành tài chính để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chín là, chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến định giá tài sản, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, bảo đảm căn cứ để khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Quyết định số 1588/QĐ-BTC, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra đều được phân công rõ ràng cho các đơn vị chủ trì, các đơn vị thực hiện và thời hạn thực hiện gắn với việc báo cáo kết quả hàng năm về Bộ Tài chính, để tổng hợp gửi Bộ Công an.