Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới nền giáo dục Việt Nam. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng các cơ sở giáo dục đại học, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều hành năm học phù hợp với thực tiễn.
Trao đổi về Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng cho biết đã xin ý kiến các bộ ngành, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để đưa ra phương án thi THPT phù hợp với lộ trình đổi mới và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Không có phương án hoàn hảo nhưng thi tốt nghiệp THPT là phương án trong sự lựa chọn, vì vậy rất cần có sự chia sẻ. Và khi đã chốt phương án thì cố gắng làm tốt và đảm bảo tính nhất quán.
Về kỳ thi tuyển sinh riêng của một số cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng nhấn mạnh những trường đã đủ điều kiện tổ chức thì hãy công bố kỳ thi tuyển sinh riêng.
"Lộ trình tự chủ đã có, nhưng cũng phải có điều kiện, không phải muốn làm gì thì làm. Tự chủ phải có quản lý Nhà nước. Trách nhiệm của Nhà nước là định hướng để bảo đảm chất lượng và tính ổn định trong hệ thống", theo Bộ trưởng.
Về phương án tuyển sinh, trong bối cảnh như hiện nay, cần giữ ổn định. Vì thế, Quy chế tuyển sinh năm nay cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2019. Mặc dù các trường đã tự chủ trong tuyển sinh, nhưng Bộ vẫn sẵn sàng hỗ trợ các trường để lọc ảo.
Bộ trưởng lưu ý, các trường tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ vì chất lượng điểm học bạ ở các trường và các vùng miền khác nhau. Chính vì thế phải có kỳ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá chất lượng trên diện rộng sau 12 năm học của học sinh trên cả nước.
"Nếu em nào đáp ứng chuẩn tối thiểu thì được công nhận tốt nghiệp. Trên tối thiểu là có sự phân hóa. Kỳ thi với mục đích để xét tốt nghiệp THPT, nhưng bên cạnh đó còn nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn, qua đây để ngành Giáo dục có khuyến cáo các địa phương có chính sách phù hợp", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.