Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị triển khai kết quả đấu thầu thuốc tập trung cấp Quốc gia năm 2017 diễn ra mới đây.
Theo Bộ trưởng Tiến, suốt thời gian dài, việc đấu thầu thuốc vẫn được thực hiện riêng lẻ tại từng tỉnh, từng cơ sở y tế với giá thuốc trúng thầu khác nhau và ở mức cao khiến người bệnh phải gánh chịu chi phí lớn. Tiền thuốc chữa bệnh trong tổng chi phí khám bệnh ở nước ta vẫn còn cao, chiếm 50% trong chi phí từ quỹ bảo hiểm y tế và cao hơn so với các quốc gia có điều kiện kinh tế tương đồng với Việt Nam.
Vì vậy, đấu thầu thuốc tập trung quốc gia được lựa chọn và đây cũng là xu hướng mà nhiều nước trên thế giới áp dụng. Kinh nghiệm thực tế của nhiều quốc gia cho thấy, việc đấu thầu thuốc tập trung giúp giảm được 50% giá thuốc biệt dược gốc sắp hết hạn bảo hộ độc quyền, bên cạnh nhiều loại thuốc generic cũng giảm rất nhiều.
Trong lần đầu thực hiện đấu thầu tập trung cấp quốc gia đã giúp tiết kiệm được 477 tỷ đồng. Cụ thể, tổng giá trị gói thầu tham gia đấu thầu tập trung là 2.746 tỷ, trong khi giá trúng thầu còn 2.269 tỷ; tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng, tương đương giảm 17% so với giá kế hoạch.
Hội nghị nhận định việc đấu thầu tập trung quốc gia giúp giá thuốc chênh lệch không đáng kể giữa các vùng miền; các tuyến điều trị. Do đấu thầu lượng thuốc lớn nên giá thuốc sẽ rẻ hơn. Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia cũng giảm bớt chi phí hành chính trong đấu thầu, góp phần chống lãng phí và minh bạch hóa trong cung ứng thuốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế nhận định, đây là lần đầu tiên Bộ Y tế thực hiện đấu thầu tập trung cấp quốc gia do đó các nội dung liên quan về pháp chế, kỹ thuật, khả năng cung ứng của nhà thầu, việc vận dụng triển khai tại các địa phương… khó đảm bảo được mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó là những phiền toái liên quan có thể xảy đến khi những đơn vị bị rớt thầu sẵn sàng khiếu nại.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tiến khẳng định quy trình triển khai đấu thầu thuốc phải tuân thủ hành lang pháp lý trên cơ sở công khai, dân chủ với giá cả hợp lý và thực hiện đồng loạt. Thuốc generic, thuốc có tỷ trọng giá trị sử dụng lớn sẽ được mở rộng danh mục, ưu tiên cho mặt hàng sản xuất trong nước. Bộ Y tế cam kết thực hiện đấu thầu công khai minh bạch, không để tồn tại những hiện tượng tiêu cực.
Theo Công lý