Theo đó, như đã thông tin, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định 731 xác định quy mô, diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh. Khu vực này còn có tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (KBTTN Tiền Hải), một trong hai vùng lõi khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.
Trong đó, diện tích Khu bảo tồn sẽ giảm từ 12.500 ha xuống còn hơn 1.320 ha (giảm 11.050 ha). Phần diện tích này sẽ được xây dựng thành Khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ.
Trước đó, Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 918/UBND-CTXDGT ngày 28/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc tham gia ý kiến đối với đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đến năm 2040. Theo đó, các khu vực mà tỉnh Thái Bình xin ý kiến về quy hoạch xây dựng Khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Cồn Vành-Cồn Thủ nằm trong phạm vi vùng lõi của Khu bản tồn thiên nhiên Tiền Hải.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có văn bản phúc đáp, cụ thể, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030 đang được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình trình thẩm định, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Phương án tổ chức hệ thống đô thị và nông thôn trong dự thảo Quy hoạch tỉnh xác định đô thị Nam Phú đến năm 2040 có quy mô dân số khoảng 30.000 người, là đô thị loại V. Do đó, đề nghị lưu ý đảm bảo định hướng phát triển đô thị trong đồ án đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển hệ thống đô thị trong nội dung Quy hoạch tỉnh và đảm bảo sự thống nhất các cấp độ quy hoạch.
Tại khu du lịch Cồn Vành, việc bố trí các chức năng hỗn hợp nhóm nhà ở và dịch vụ (ô đất ký hiệu B-HH29, B-HH30) là chưa phù hợp với phương án quy hoạch sử dụng đất tại Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đã được phê duyệt.
Về sự phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng: Đề nghị kiểm tra, rà soát đối với phương án dự báo dân số xã Nam Phú từ 5.320 người (năm 2022) tăng 652% lên đô thị Nam Phú là 34.700 người (năm 2040) đảm bảo tính khoa học, khả năng thu hút lao động trên cơ sở vị trí, vai trò đối với huyện Tiền Hải và Khu kinh tế Thái Bình. Làm rõ tỷ lệ (%) cho các giai đoạn đến năm 2040 về tăng cơ học, tự nhiên, nhập cư, nội thị và ngoại thị, quy đổi khách du lịch; xác định tỷ lệ tăng dân số thường trú bình quân năm 2025-2030 và 2030-2040
Căn cứ hồ sơ Quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình, quy mô dân số tại khu vực phát triển đô thị (khu A) là khoảng 20.000 người; việc đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Nam Phú đề xuất phương án sử dụng đất nhóm nhà ở khoảng 180ha (tương đương 90m2/người); đất dân dụng khoảng 299,5ha (tương đương khoảng 149m2/người) tại khu A cần được rà soát để bảo đảm phù hợp với quy định tại mục 2.1 và 2.2 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN01:2021/BXD.
Tương tự, đề xuất quy hoạch sử dụng đất tại khu B dân số dự báo 14.700 người (phát triển du lịch dịch vụ) có nhóm nhà ở (84ha) và hỗn hợp nhóm nhà ở và dịch vụ (343,5ha) là chưa phù hợp với chỉ tiêu đất đơn vị ở theo quy chuẩn quy hoạch xây dựng và quy định về đất dịch vụ du lịch. Bộ Xây dựng đã có lưu ý áp dụng quy chuẩn xây dựng tại văn bản số 3247/BXD-QHKT ngày 06/7/2020 về góp ý kiến đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf CồnVành - Cồn Thủ thuộc Khu kinh tế Thái Bình.
Đối với khu vực phát triển dịch vụ du lịch (khu B), đề nghị làm rõ tỷ trọng giữa các chức năng nhóm nhà ở và dịch vụ; loại hình dịch vụ; quy mô dân số tại từng ô đất có chức năng “hỗn hợp nhóm nhà ở và dịch vụ”, làm cơ sở xác định các chỉ tiêu đất nhóm nhà ở và tính toán đủ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định; đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển không gian của Khu kinh tế Thái Bình đã được phê duyệt.
Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện một số nội dung sau: Rà soát các căn cứ pháp lý lập quy hoạch đã hết hiệu lực trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị như: Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị; Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; …
Bổ sung Nghị quyết số số 892/NQ-UBTVQH14 ngày 11/02/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thái Bình; Luật Kiến trúc, Luật số 35/2018/QH14, Luật số 62/2020/QH14.
Hiện trạng khu vực lập quy hoạch có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn (chiếm 54,7% diện tích tự nhiên). Đề nghị làm rõ tiêu chí, điều kiện phân loại đất xây dựng để đánh giá khu vực nuôi trồng thủy sản là quỹ đất thuận lợi cho xây dựng, phát triển đô thị. Đồng thời, làm rõ tính chất, quy mô các loại rừng ven biển, làm cơ sở đề xuất phương án phát triển đô thị phù hợp quy định tại Luật Lâm nghiệp.
Bổ sung các yêu cầu, định hướng phát triển tại quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đang triển khai có tác động đến phạm vi lập quy hoạch chung đô thị Nam Phú như: dự kiến quy mô dân số, định hướng các khu chức năng, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Nội dung định hướng phát triển không gian đô thị cần bổ sung làm rõ: Hướng phát triển đô thị; phạm vi, quy mô các khu chức năng của đô thị: Khu chỉnh trang, cải tạo, khu bảo tồn, khu vực phát triển mới, khu vực cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển; hệ thống trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm công cộng, công viên cây xanh và không gian mở của đô thị; nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan cho các khu chức năng của đô thị, trục không gian chính. Bảo đảm phù hợp với định hướng tại Quy định quản lý theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành tại Quyết định số 3438/QĐ-UBND ngày 18/11/2019.
Nội dung định hướng quy hoạch sử dụng đất cần bổ sung làm rõ quy mô dân số và đất đai của từng khu vực chức năng của đô thị, chỉ tiêu về mật độ dân cư, chỉ tiêu đất quy hoạch đô thị theo các giai đoạn phát triển. Đối với khu đô thị du lịch (khu B), đề nghị ưu tiên bố trí chức năng dịch vụ, du lịch và dành quỹ đất để dự trữ phát triển trong tương lai. Đối với khu vực ven biển, ven sông, kênh, và các hành lang thoát nước chính của khu vực, đề nghị xác định cụ thể hành lang bảo vệ, cách ly để đảm bảo yêu cầu về thoát nước, bảo vệ nguồn nước và cảnh quan đô thị; đồng thời, đề nghị phân tách với chỉ tiêu chức năng đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị.
Đề nghị bổ sung cơ sở pháp lý, căn cứ chỉ tiêu để bố trí chức năng di tích, tôn giáo tại khu B với quy mô lớn (khoảng 40ha), đảm bảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Về quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật: Đề nghị xác định cụ thể vị trí, quy mô sử dụng đất và kết nối với mạng lưới truyền tải hệ thống hạ tầng của các công trình đầu mối như: Bến thuyền du lịch, bến cảng, trạm bơm Cồn Vành, trạm bơm nước thải, trạm xử lý nước thải, tuyến cấp nước chính,…, bảo đảm cụ thể hóa nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật tại Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đã được phê duyệt. Bổ sung giải pháp về nguồn đất đắp tại khu vực lập quy hoạch.
Bổ sung làm rõ các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt tại khu vực ven biển.