Theo đó, trường hợp tập thể, giáo viên cố tình dạy thêm trong thời gian học sinh nghỉ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ bị đình chỉ công tác, buộc thôi việc.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa yêu cầu Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, Chủ tịch UBND các phường, xã chỉ đạo các nhà trường nghiêm cấm dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, kể cả học nhóm; khuyến khích học sinh tự ôn tập, học online qua các trang trực tuyến mà ngành Giáo dục đã triển khai.
Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu hiệu trưởng các trường Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở, Tiểu học quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Nếu để xảy ra sai phạm trong phạm vi quản lý, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.
Chủ tịch UBND các phường, xã phải kiểm tra, nắm bắt kịp thời sai phạm để xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý. Đồng thời phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm trong thời gian tạm dừng dạy và học trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 gây ra.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa thành lập Đoàn kiểm tra, chủ trì, phối hợp với UBND phường, xã, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và xử lý; tham mưu xử lý nghiêm các nhà trường, cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân dạy thêm trong thời gian nghỉ chống dịch.
Ông Tạ Hồng Lựu, Trường Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa cho biết: Trước diễn biến phức tạp của tình tình dịch COVID-19, tỉnh Thanh Hóa đã cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa đã có nhiều văn bản hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian học sinh nghỉ học.
Ngành chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị tốt các điều kiện để học sinh đi học trở lại, như tổ chức vệ sinh trường, lớp học bằng cách phun hóa chất, lau nền nhà, tường nhà; huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh lau chùi tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng (khi dọn vệ sinh phải đeo khẩu trang, găng tay). Việc phun hóa chất khử khuẩn phải đúng thời điểm và đúng cách theo hướng dẫn của ngành Y tế. Đến nay, 100% các nhà trường đã tổ chức phun khử trùng ít nhất 1 lần, có nhiều đơn vị trường học đã tổ chức phun khử trùng lần thứ 2, 3.
Ngành chỉ đạo các nhà trường huy động cán bộ giáo viên tổ chức vệ sinh cảnh quan trường học (phát quang bụi rậm, không để nước đọng, các dụng cụ chứa nước phải được đậy kín). Các nhà trường đảm bảo 100% có vòi nước sạch cho học sinh rửa tay bằng xà phòng (không sử dụng chậu rửa dùng chung), nước sát khuẩn tại các lớp học. Các nhà trường chuẩn bị đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh và mỗi học sinh có một cốc nước dùng riêng hợp vệ sinh (khuyến khích học sinh đến trường tự mang theo nước uống cá nhân)... đảm bảo sẵn sàng các điều kiện để đón học sinh trở lại trường khi có quyết định…