Với đợt nghỉ kéo dài từ 3-4 tuần, để giúp học sinh duy trì nề nếp học tập, củng cố kiến thức và nhanh chóng bắt kịp với tiến độ học tập sau kỳ nghỉ, các trường học đã triển khai nhiều hình thức khác nhau để hướng dẫn học sinh có kế hoạch học tập tại nhà. Tuy nhiên, việc triển khai còn chưa đồng đều ở các trường, các địa phương do điều kiện ở mỗi nơi khác nhau. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch dạy bù hợp lý để các địa phương đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình và chất lượng học tập là cần thiết.
Ứng dụng công nghệ thông tin hướng dẫn học sinh tự học
Tại các thành phố lớn, lớp học online, phần mềm học tập trực tuyến… là giải pháp được nhiều trường áp dụng để củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ phòng dịch bệnh COVID-19.
Cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho biết: "Nhà trường đã chuẩn bị nền tảng công nghệ học tập trực tuyến Office 365. Đây là phần mềm có thể quản lý việc dạy học gián tiếp, giao bài tập, đặc biệt là kiểm soát việc tự học của học sinh, cũng như có phần mềm chấm điểm và thông tin kết quả.
Khi thầy cô giáo thiết kế bài giảng online sẽ đồng thời phải thiết kế hệ thống bài tập để học sinh tự làm bài tập về nhà. Trước giờ học online tiếp theo, học sinh phải làm bài kiểm tra để đánh giá mức độ tiếp nhận kiến thức và giáo viên điều chỉnh bài giảng cho phù hợp. Cha mẹ học sinh cũng sẽ được thông báo kết quả học tập của con.
Trong đợt nghỉ phòng chống dịch COVID-19 lần này, 100% thầy, trò nhà trường vẫn học bình thường theo thời khóa biểu, chỉ khác là những lớp học hoàn toàn trực tuyến. Do đã trang bị cho toàn bộ giáo viên và học sinh của trường tài khoản Office 365 nên việc triển khai dạy học online khi học sinh nghỉ học được Trường Nguyễn Tất Thành thực hiện khá thuận lợi".
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết: "Trong thời gian nghỉ phòng dịch bệnh, Ban chủ nhiệm từng cấp học trong trường đã có kế hoạch hỗ trợ học sinh ôn tập tại nhà. Đối với học sinh Tiểu học, giáo viên giao phiếu học tập cho học sinh ôn tập lại kiến thức từ đầu học kỳ 2 đến nay, tập trung vào 3 môn chính: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Mỗi ngày 1 phiếu Toán, 1 phiếu Tiếng Việt, cả tuần 3 phiếu Tiếng Anh.
Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm gửi bài cho học sinh lớp mình qua email hoặc tin nhắn tới cha mẹ học sinh. Cha mẹ học sinh in bài cho con làm và báo cáo kết quả cho giáo viên chủ nhiệm hàng ngày. Mỗi ngày, giáo viên chủ nhiệm sẽ dành khoảng 1 giờ đồng hồ để giải đáp thắc mắc về những vấn đề liên quan đến phiếu học tập hàng ngày của học sinh (tuỳ giáo viên chủ nhiệm quy định khung giờ thích hợp)".
Đối với bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, giáo viên bộ môn sẽ trực tiếp giao bài tập cho học sinh thông qua group của mỗi lớp, yêu cầu học sinh làm và nộp lại cho giáo viên khi đi học lại để kiểm tra, đánh giá ý thức và có hình thức động viên, khuyến khích.
Riêng đối với học sinh khối 12, giáo viên bộ môn phải hướng dẫn ôn tập để chuẩn bị cho việc kiểm tra khi đi học trở lại, đồng thời tập trung chủ yếu vào việc rà soát, tổ chức ôn tập kiến thức cơ bản, trọng tâm, thậm chí xây dựng thành các chuyên đề nhỏ, giáo viên bộ môn hỗ trợ qua điện thoại, email… để học sinh tự ôn tập và thảo luận.
Ngay từ tuần nghỉ học đầu tiên, Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội cũng đã lập kế hoạch duy trì nhiệm vụ học tập trực tuyến cho học sinh.
Đối với các địa phương, việc tổ chức dạy học trực tuyến còn khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng việc này. Lãnh đạo một số Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Trong đợt nghỉ này, chỉ có ít trường thực hiện giao bài tập cho học sinh làm tại nhà, còn lại đa số các em được nghỉ ngơi hoàn toàn vì nhiều lý do như: học sinh nhỏ tuổi, chưa sử dụng được máy tính; gia đình học sinh không sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính; không có kết nối internet…
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho hay địa phương này chưa thể tổ chức cho giáo viên giảng bài trực tuyến vì một số huyện miền núi, khó khăn về cơ sở vật chất, mạng internet… Tại một số trường, giáo viên triển khai việc giao bài tập cho học sinh qua các kênh như Facebook, Zalo… Học sinh thực hiện xong sẽ nộp lại cho giáo viên chấm điểm, báo cáo kết quả hàng ngày.
Có kế hoạch dạy bù sau thời gian nghỉ học
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng hình thức học online chỉ thực hiện được ở nơi có internet, có máy tính xách tay, có điện thoại thông minh… Như vậy, đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, học sinh rất thiệt thòi để tiếp nhận kiến thức trong giai đoạn này.
"Các tỉnh, thành phố nên chủ động chuyển sang dạy học trên đài phát thanh, truyền hình địa phương. Trước đây, chúng ta đã thực hiện dạy học trên truyền hình và đến nay, kênh VTV7 vẫn duy trì việc này tuy rằng thời gian không nhiều. Trong khi đó, cả nước hiện có nhiều kênh truyền hình từ Trung ương đến địa phương, đây chính là lợi thế để chúng ta triển khai dạy học. Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình, đài phát thanh cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo hình thức phi lợi nhuận. Khi các kênh truyền hình, đài phát thanh cùng tham gia, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ lựa chọn giáo viên bộ môn giỏi, tiêu biểu lên dạy trên truyền hình", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đề xuất.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: "Trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và liên lạc giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường; khuyến khích giáo viên giao cho học sinh các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức.
Việc giao bài, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh học và đánh giá từ xa có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như học trực tuyến hay tổ chức bài học trên mạng. Ngoài ra, có thể tổ chức cho học sinh tự học theo từng bài học do giáo viên giao rồi nộp qua mạng để được hướng dẫn và chấm bài. Hoặc giáo viên giao bài và gửi tài liệu cho học sinh bằng tin nhắn, email..."
Tuy nhiên, theo ông Thành, dạy học trực tuyến có ưu điểm nhưng mới chủ yếu đáp ứng được mục tiêu trang bị kiến thức, luyện tập được một số kỹ năng trong các bài tập, tình huống học tập mà chưa tạo nhiều cơ hội để học sinh phát triển toàn diện. Các phẩm chất, năng lực chỉ có thể được hình thành và phát triển một cách đầy đủ trong môi trường học tập có sự tương tác, giao tiếp, hợp tác và trải nghiệm cùng thầy cô và bạn bè.
Việc các trường tổ chức học tập trực tuyến, từ xa không đồng nghĩa với việc không cần tổ chức học bù sau đợt nghỉ vì dịch COVID-19. Những trường đã tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh kiến thức mới, thậm chí theo đúng thời khóa biểu, khi học sinh trở lại vẫn phải có kế hoạch bố trí dạy bù. Các trường dạy học trực tuyến có thể thực hiện khảo sát, đánh giá học sinh qua thời gian tự học hoặc học trực tuyến để thiết kế nội dung dạy bù những phần các em còn yếu, còn thiếu. Qua đó, học sinh có cơ hội luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, giải đáp những nội dung còn thắc mắc, không hiểu.
Ông Thành cũng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn để các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai kế hoạch dạy bù cho học sinh. Tùy theo tình hình cụ thể, từng trường có thể xây dựng kế hoạch dạy học bù khác nhau, đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình với mọi đối tượng học sinh./.