Một nghiên cứu mới đây đã được công bố trên Tạp chí khoa học Journal of Clinical Neurology tiến hành trên 3.000 đàn ông bị rối loạn cương dương (RLCD) và một nhóm đối chiếu 12.000 người đàn ông khỏe mạnh, đã cho thấy nhóm bị RLCD có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao hơn 52% so với nhóm đàn ông khỏe mạnh. Nếu RLCD đi kèm bệnh đái tháo đường thì nguy cơ mắc bệnh Parkinson tăng lên gấp 3 lần. Hoặc nếu RLCD có thêm bệnh tăng huyết áp thì nguy cơ bị bệnh Parkinson tăng lên 2 lần.
Bệnh Parkinson được biết là một bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển. Ở Việt Nam chưa có số thống kê về bệnh nhân, nhưng ở Mỹ hiện nay có khoảng 1 triệu người mắc bệnh và mỗi năm có khoảng 60.000 ca mắc mới. Thế giới đã có hơn 10 triệu người mắc bệnh Parkinson, trong đó tỷ lệ nam giới mắc bệnh gấp rưỡi phụ nữ.
Triệu chứng của bệnh là run (đặc biệt ở bàn tay và các ngón tay), chuyển động chậm chạp, cứng cơ, khó khăn khi nói, mất thăng bằng và phối hợp động tác.
Hiện vẫn chưa rõ các nguyên nhân gây bệnh nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy 1 protein được gọi là alpha-synuclein (a-synuclein) đóng vai trò chính trong việc gây bệnh. Trong não bệnh nhân Parkinson, a-synuclein sắp xếp hỗn độn tạo nên những đám protein gọi là các thể Lewy (dấu hiệu đặc thù của bệnh Parkinson), tích lũy trong các tế bào sản xuất ra dopamin (là một chất dẫn truyền thần kinh) và phá hủy các tế bào này. Các tế bào sản xuất dopamin nằm trong liềm đen-là vùng não có liên quan đến vận động. Sự giảm sút tất yếu của dopamin-chất dẫn truyền thần kinh điều hòa chuyển động-dẫn đến sự kiểm soát vận động bị suy giảm, là đặc trưng của bệnh Parkinson. Vì vậy các nhà nghiên cứu đang tìm cách ngăn ngừa sự tích lũy a-synuclein, đó là cách để phòng bệnh hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Hiện tại chưa có thuốc nào chữa lành bệnh mà chỉ điều trị triệu chứng. Các thuốc đều nhằm làm tăng nồng độ, tối ưu hóa việc phân phối hay ngăn ngừa sự phân hủy sớm dopamin trong não. Có 3 loại thuốc cơ bản được dùng trong điều trị bệnh: tiền chất dopamin, chất chủ vận dopamin và các chất ức chế MAO-B (ức chế phân hủy dopamin).
Các nghiên cứu trước đây cho thấy caffeine, chất kích thích thần kinh trung ương có trong cà phê, trà và cola, có hiệu quả bảo vệ chống lại bệnh Parkinson. Trong nghiên cứu mới đây, ông Jeremy Lee cùng các cộng sự tại Đại học Saskatchewan (Canada) đã nghiên cứu tạo ra 2 hợp chất có nền tảng là caffeine với tên là C8-6-1 và C8-6-N. Chúng gắn với a-synuclein và làm ngưng sự sắp xếp hỗn độn của protein này và ngăn cản tạo thành những đám protein. Hai hợp chất này cho thấy có thể phòng ngừa sự tiến triển bệnh Parkinson.
Theo Người lao động